Từng bọc chai nhựa lớn được các bạn trẻ mang đến - Ảnh: HỮU HƯỚNG
"Đổi chai nhựa lấy vớ" là hoạt động do nhóm bạn trẻ Team Re.Socks lên ý tưởng và thực hiện sau 6 tháng tìm hiểu và trao đổi về việc biến rác thải nhựa thành những đôi vớ.
Hoạt động trao đổi, mua bán sẽ diễn ra đến 19h ngày 28-3 tại 169 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Sau hoạt động, 50% lợi nhuận thu được sẽ đóng góp cho tổ chức Việt Nam sạch và xanh.
Anh Hoàng Quý Bình, trưởng ban tổ chức hoạt động, chia sẻ: "Ngành thời trang đang gây ra nhiều vấn đề về môi trường, vì vậy chúng mình muốn tạo ra được những chất liệu hướng đến ngành thời trang bền vững để bảo vệ môi trường. Từ đó tụi mình nghĩ đến những sản phẩm sau khi sử dụng có thể phân hủy hoặc tái chế được. Và rác thải nhựa là cái chúng mình tìm đến, bởi nguyên liệu rác thải nhựa rất dồi dào".
Nhựa được thu gom để tái chế thành vớ phải là loại nhựa PET (có đánh số 1 dưới đáy chai). Loại nhựa này có thể kéo ra thành các sợi polyethylene terephtalate, và những sợi này có tính mềm, có thể sử dụng cho việc may làm vớ hay các sản phẩm thời trang khác.
Quy trình để từ những chai nhựa biến thành những chiếc vớ xinh xắn cũng phải trải qua nhiều công đoạn: đầu tiên là thu gom nhựa phế thải, rồi qua nhà máy lọc tạp chất chuyển thành hạt nhựa. Sau đó các hạt nhựa được kéo thành sợi poly và đưa đi dệt nên tấm vải hoặc những đôi vớ.
Nhiều bạn đến từ rất sớm để check in nhận quà - Ảnh: HỮU HƯỚNG
Nguyễn Minh Nguyệt, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, chia sẻ: "Đây là một hoạt động thiết thực đối với việc bảo vệ môi trường. Việc dùng chai nhựa tái chế vớ và những đồ dùng trong cuộc sống hằng ngày là một điều mới lạ, mình tin sẽ được đông đảo người dùng tiếp cận.
Hoạt động cũng sẽ góp phần giúp các bạn trẻ tăng ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa và sử dụng rác thải nhựa vào việc tái chế, tái sử dụng".
"Hiện Re.socks đang hướng tới những vật liệu có thể tái chế và phân hủy được, bên cạnh chai nhựa, các vật liệu khác như cafe, tre, bông… và không chỉ làm vớ, nhóm cũng hướng tới những sản phẩm may mặc khác.
Sau dự án, mình mong muốn phần nào tuyên truyền được tới mọi người về vấn đề thu gom tái chế rác thải nhựa, tránh lãng phí và để thấy được giá trị của chúng khi tạo ra được những đồ dùng phục vụ cho đời sống của mọi người", anh Bình cho biết thêm.
Anh Hoàng Quý Bình (bên trái) giới thiệu cho các bạn sinh viên về quá trình từ chai nhựa làm thành đôi vớ - Ảnh: HỮU HƯỚNG
Các bạn tình nguyện viên cho những đôi vớ vào túi giấy - Ảnh: HỮU HƯỚNG
6 chai nhựa sẽ đổi được 1 đôi vớ tái chế - Ảnh: HỮU HƯỚNG
Vớ có ba màu: xám đậm, xám nhạt, đen. Đây là màu tự nhiên nguyên bản của nhựa tái chế, không qua xử lý nhuộm gây hại cho môi trường - Ảnh: HỮU HƯỚNG
Nguyễn Minh Nguyệt (trái, sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên) cùng bạn chọn vớ sau khi mang chai nhựa đến đổi - Ảnh: HỮU HƯỚNG