Bức tranh về biển đảo với nét vẽ ngộ nghĩnh phù hợp với các em nhỏ được trang trí trên tường cầu thang khu lớp học mới Trường tiểu học Púng Luông - Ảnh: T.ĐIỂU
Và tất nhiên không thể thiếu những núi đồi hùng vĩ, những ruộng bậc thang xinh đẹp, những chiếc dù lượn đủ sắc màu đã trở thành "đặc sản" ở huyện miền núi của tỉnh Yên Bái này.
Hai ngôi trường mà nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đến vẽ tranh tường thiện nguyện là Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nậm Khắt và Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Púng Luông với phần đông học trò là người Mông.
Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy - trưởng nhóm Ký họa đô thị Hà Nội - lý giải về việc chọn chủ đề biển đảo, đại dương, khám phá vũ trụ… mang tới cho các em nhỏ dân tộc thiểu số miền núi là vì nhóm và các thầy cô muốn đưa đến cho các em những chân trời mới lạ để hấp dẫn các em khám phá và nuôi dưỡng ước mơ đi xa hơn những bản làng của mình.
Mục đích ngắn hạn hơn là hy vọng các em yêu ngôi trường của mình hơn, yêu việc đến trường hơn, thêm hứng khởi trước thềm năm học mới.
Vẽ thế giới đại dương sinh động tại Trường tiểu học Púng Luông - Ảnh: T.ĐIỂU
Thầy Vũ Cảnh Lâm - phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Púng Luông - với hơn 30 năm dạy học ở huyện miền núi này, từ thuở mà cả vùng chỉ có hai mái nhà cấp 4 duy nhất là trụ sở của lâm trường cho đến nay trường học đã được đầu tư khá khang trang - vẫn chưa yên tâm chuyện học sinh dân tộc thiểu số bỏ học.
Thầy Lâm cho biết hiện nhà trường có hơn 500 học sinh, trong đó hơn 300 học sinh ở bán trú (con số này ở Trường Nậm Khắt là gần 800 học sinh theo học và hơn 500 học sinh ở bán trú), được bao cấp hoàn toàn từ tiền học đến tiền ăn ở bán trú. Nhờ vậy tỉ lệ học sinh đến trường cao.
Tuy nhiên, vì đặc thù trường tiểu học, khối lớp 1 các em nhỏ mới 6 tuổi lần đầu phải xa nhà, xa bố mẹ, bản làng thân thuộc cách trường hàng chục cây số để theo học con chữ, nhiều em khó thích nghi nên không muốn đến trường. Các thầy cô phải rất vất vả động viên cha mẹ đưa các em đến trường.
Những bức vẽ chủ đề thiên văn, khám phá vũ trụ ngộ nghĩnh sinh động tại Trường tiểu học Nậm Khắt - Ảnh: T.ĐIỂU
Chính vì đặc thù này mà các trường tiểu học ở đây thường vẽ nhiều tranh tường rực rỡ để các em nhỏ yêu thích trường lớp hơn, gắn bó với trường học hơn.
Vì vậy những chủ đề như thế giới sinh động dưới đại dương (vốn xa lạ với các em nhỏ miền núi), hệ mặt trời, kính thiên văn, tàu du hành vũ trụ…, với lối vẽ ngộ nghĩnh được các thầy cô kỳ vọng sẽ hấp dẫn học trò của mình, nuôi dưỡng những ước mơ vươn tới những chân trời rộng mở của tri thức, khoa học trong các em.
Lớp học Trường Nậm Khắt bừng sáng, đầy năng lượng tươi vui nhờ những bức tranh tường rực rỡ - Ảnh: T.ĐIỂU