Rửa xe là một trong các lĩnh vực kinh doanh được phép mở lại trong giai đoạn 1 hồi phục ở Malaysia - Ảnh: BERNAMA
Theo trang tin FMT của Malaysia, quyết định mở cửa lại 11 hoạt động kinh tế của chính phủ Malaysia trong khuôn khổ kế hoạch "Phục hồi quốc gia giai đoạn 1" một lần nữa gây ra ý kiến trái chiều trong giới doanh nghiệp và chuyên gia y tế.
Ở góc độ làm ăn, các doanh nghiệp chật vật để tồn tại đã quá lâu nên ủng hộ kế hoạch tái mở cửa, trong khi giới chuyên gia y tế không đồng tình.
Thủ tướng Muhyiddin Yassin (hiện đã trở thành thủ tướng lâm thời sau quyết định ngày 16-8 của Vua Al-Sultan Abdullah) cho biết quyết định tái mở cửa được đưa ra sau khi cân nhắc các ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Công thương và người tiêu dùng, song song đó là thảo luận với các bên liên quan thuộc các lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
11 nhóm đối tượng được phép mở lại bao gồm: trung tâm rửa xe, cửa hàng điện - điện tử, cửa hàng đồ gia dụng, cửa hàng nội thất, cửa hàng đồ thể thao, cửa hàng phụ tùng xe, trung tâm bán và phân phối xe, chợ nông sản, trung tâm thời trang và phụ kiện, cửa hàng trang sức, tiệm hớt tóc.
Bác sĩ Lee Boon Chye - cựu bộ trưởng Y tế Malaysia - tin rằng thời điểm này không phải là lúc thích hợp mở lại các hoạt động kinh tế, vì chỉ mới có 50% dân số tiêm tối thiểu 1 liều vắc xin ngừa COVID-19.
"16% người trưởng thành đã đăng ký nhưng chưa được tiêm, 13% thì chưa đăng ký, và thêm 20% dưới 18 tuổi. Nếu chúng ta nới lỏng phong toả quá sớm, người chưa tiêm ngừa sẽ lãnh đủ vì tỉ lệ bệnh nặng và tử vong trong nhóm này cao. Chúng ta nên chờ ít nhất đến khi tất cả những người đã đăng ký được tiêm ngừa" - ông Lee Boon Chye nêu quan điểm.
Cũng theo vị chuyên gia, quyết định mở lại lĩnh vực nào nên dựa trên đánh giá rủi ro, ưu tiên những ngành ít tập trung lao động và khách hàng, có thể hoạt động trong không gian thông thoáng, và tuân thủ biện pháp phòng dịch.
Ở chiều ngược lại, ông Ameer Ali Mydin - cố vấn Nhóm Sinh tồn doanh nghiệp - cảm ơn chính phủ Malaysia vì đã lắng nghe cộng đồng kinh doanh, cho phép thêm nhiều lĩnh vực mở cửa trong giai đoạn 1.
"Nó sẽ giúp kích thích nền kinh tế vì các ngành mở cửa đợt này đóng góp lớn cho GDP của quốc gia... Nhưng nếu cho phép cửa hàng quần áo mở thì cũng nên cho phép nhà máy dệt hoạt động, vì nếu không lấy đâu ra hàng để bán?" - ông Ameer Ali Mydin đặt vấn đề.
Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia (Samenta) thì kêu gọi chính phủ xem lại các quy định về phòng dịch, điều chỉnh sao cho đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế.
Chủ tịch Samenta, ông William Ng đặt ra 4 vấn đề:
Một là bỏ sự phân biệt giữa doanh nghiệp thiết yếu và không thiếu yếu, mở cửa chỉ nên dựa vào công suất, khả năng áp dụng biện pháp phòng dịch và tình trạng tiêm ngừa của nhân viên, khách hàng.
Hai là thống nhất cho phép tất cả các lĩnh vực mở cửa lại với 80% công suất khi 80% nhân viên đã tiêm ngừa đầy đủ, thay vì phân chia theo cấp độ như vậy giờ.
Ba là sửa đổi cách thực thi quy định chống dịch, từ phạt nghiêm khắc chuyển sang lối tiếp cận tư vấn và nhắc nhở với các vi phạm nhẹ, không gây nguy hiểm.
Bốn là chỉ định một cơ quan duy nhất điều phối việc cấp phép hoạt động, thay vì bắt doanh nghiệp tự liên hệ với từng cơ quan quản lý.
Chính quyền Indonesia cũng cân phân
Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh cần đạt được cân bằng giữa sức khỏe của người dân và lợi ích kinh tế, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gia tăng tại quốc gia lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong thông điệp quốc gia hằng năm đọc tại Quốc hội ngày 16-8, ông Widodo nhấn mạnh: "Dịch bệnh thực sự đã ảnh hưởng đáng kể tăng trưởng kinh tế của chúng ta, tuy nhiên không được để cho dịch bệnh cản trở tiến trình cải cách cơ cấu nền kinh tế của chúng ta. Điều chúng ta cần làm là tìm cách kết hợp tốt nhất giữa sức khỏe của người dân và lợi ích kinh tế".
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này thoát khỏi suy thoái trong quý II vừa qua với tăng trưởng GDP đạt 7% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 và các hạn chế di chuyển để ngăn chặn dịch lây lan đe dọa đà phục hồi trong quý III.
Các hạn chế dự kiến sẽ có hiệu lực hết ngày 16-8 tại đảo chính Java và đến ngày 23-8 trên 4 hòn đảo lớn khác.
Mặc dù số ca lây nhiễm bắt đầu ổn định tại đảo Java - đảo đông dân nhất của Indonesia, nhưng dịch bệnh đang lây lan sang các khu vực khác của đất nước.
Một số chuyên gia y tế đã lên tiếng chỉ trích việc nhà chức trách trì hoãn áp dụng các biện pháp phong tỏa cứng rắn hơn để bảo vệ nền kinh tế. (TÚ ANH)