Người dân Malaysia tiêm vắc xin Sinovac ở Kuala Lumpur - Ảnh: AFP
Cơ quan chức năng Malaysia phê duyệt vắc xin Sinovac vào ngày 1-10. Vắc xin được sản xuất bởi Hãng Sinovac Life Sciences Co Ltd từ Trung Quốc và Hãng Pharmaniaga LifeScience Sdn Bhd (PLS) của Malaysia.
"Vắc xin Sinovac hiện được ưu tiên cho trẻ không mắc bệnh nền, trẻ bị dị ứng hoặc không thích hợp để tiêm vắc xin Comirnaty của Hãng Pfizer", ông Abdullah nói với Hãng thông tấn Bernama.
Ông Abdullah cho biết thêm vắc xin của Sinovac là loại vắc xin ngừa COVID-19 thứ hai được phê duyệt để tiêm cho thanh thiếu niên. Loại đầu tiên được phê duyệt là vắc xin Comirnaty của Pfizer-BioNTech.
Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét khả năng tiêm vắc xin Sinovac cho trẻ 12-17 tuổi mắc bệnh nền sau khi có nhiều dữ liệu hơn.
Theo Hãng tin AFP, Sinovac là một trong những loại vắc xin được phê duyệt có điều kiện cho người từ 18 tuổi trở lên ở Malaysia.
Trẻ 12-17 tuổi ở nước này bắt đầu tiêm vắc xin Pfizer từ ngày 20-9. Dữ liệu từ Bộ Y tế Malaysia cho thấy có khoảng 1,49 triệu trẻ (47%) từ 12-17 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19.
Hơn 86% dân số trưởng thành ở Malaysia đã tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin kể từ khi nước này bắt đầu tiêm chủng vào tháng 2 năm nay.
Trong ngày 30-9, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết Malaysia đã ghi nhận hơn 400.000 ca mắc COVID-19 ở người dưới 18 tuổi chỉ trong năm nay, so với 12.000 ca năm 2020.
Ngày 29-9, Bộ Ngoại giao Malaysia thông tin về việc Trung Quốc sẽ tặng thêm 1 triệu liều vắc xin Sinovac cho nước này.
Theo Hãng thông tấn Bernama, động thái của Trung Quốc được thực hiện dựa trên "cơ sở tình hữu nghị sâu sắc" giữa hai nước.
Trung Quốc cũng đã tài trợ 500.000 liều vắc xin Sinovac vào tháng 7-2021 cho chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia.