Những bạn trẻ Nhật Bản mặc kimono sặc sỡ chụp ảnh tự sướng trước buổi lễ đánh dấu Ngày trưởng thành tại Yokohama Arena, Nhật Bản vào ngày 11-1-2021 - Ảnh: Jiji Press / EPA
Vào ngày thứ hai của tuần thứ hai trong tháng giêng hằng năm, thanh niên 20 tuổi khoác lên mình những bộ kimono và vest đẹp nhất, bất chấp sự lạnh giá của mùa đông, tụ tập tại các sảnh sự kiện trên khắp cả nước để đánh dấu ngày họ chính thức bước vào tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, với nhóm thanh niên nam nữ Nhật Bản đã bước sang tuổi 20 trong tám tháng qua, hoặc sắp đủ tuổi vào ngày 1-4, buổi lễ năm nay sẽ nhuốm màu ảm đạm và lo lắng khi nghĩ về tương lai bất trắc do đại dịch và nhân khẩu học lệch của nước này.
Giai đoạn đầy lo âu
Mao Kato
Mao Kato tổ chức sinh nhật 20 tuổi của mình tháng trước. Cô sẽ là một trong những người đánh dấu dịp lễ theo cách truyền thống khi quyết định mặc kimono furisode (một loại kimono thường được mặc trong những buổi lễ, tiệc của phụ nữ độc thân Nhật Bản) trong buổi lễ seijin shiki (Lễ thành nhân) chính thức của chính quyền thủ đô Tokyo.
Suốt hai năm đại học vừa qua của Kato dưới bóng tối của COVID-19. Cô không được gặp gỡ bạn bè, không có thêm bạn mới vì học trực tuyến, cũng không liên lạc với các tiền bối. "Điều này ảnh hưởng đến triển vọng công việc của tôi", cô nói. Hiện cô đang học chuyên ngành nghiên cứu xã hội tại một trường đại học ở Tokyo.
Hai năm nữa, cô sẽ tốt nghiệp và bước vào một thị trường việc làm rất khác so với thế hệ bố mẹ và ông bà mình đã trải qua.
Những bạn trẻ nam nữ 20 tuổi mặc kimono và vest rời khỏi sân vận động Todoroki Arena, Nhật Bản trong Ngày trưởng thành vào ngày 11-1-2021 - Ảnh: Behrouz Mehri / AFP / Getty Images
Kato nói: "Tôi lo lắng hơn là vui mừng về tương lai. Ngày càng khó tìm được việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, và chúng tôi không biết liệu mình có được trả đủ lương hay không".
Theo Bộ Nội vụ Nhật, con số thấp kỷ lục 1,2 triệu người ở Nhật Bản chào đón Lễ trưởng thành vào năm Canh Dần, ít hơn 40.000 người so với năm trước. Đây là mức thấp nhất mọi thời đại kể từ khi chính phủ bắt đầu lưu giữ hồ sơ vào năm 1968. Độ tuổi 20 hiện chỉ chiếm 0,96% trong tổng số 125 triệu dân của Nhật Bản.
Ngược lại, số người từ 65 tuổi trở lên đạt 36,4 triệu người vào mùa thu năm ngoái, chiếm gần 30% tổng dân số. Tuổi thọ đã tăng lên mức cao kỷ lục là 87,74 đối với phụ nữ và 81,64 đối với nam giới nhưng tỉ lệ sinh vẫn ở mức thấp .
Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi thế hệ thiên niên kỷ (thế hệ Millennials) của Nhật Bản bi quan nhất về tương lai so với những người cùng thời ở 17 quốc gia khác theo một cuộc khảo sát năm 2016.
Shota Nagao
Sinh viên xã hội học và nhân chủng học Shota Nagao quyết định không dự Lễ thành nhân sắp tới. Anh nói về 18 tháng học từ xa tại một trường đại học ở thủ đô Nhật Bản: "Nó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tinh thần và thể chất của tôi. Sự căng thẳng của việc không thể hòa nhập với xã hội thực sự khiến tôi lung lay rất nhiều, nhưng vấn đề lớn nhất là tôi không nhận được chất lượng giáo dục như những người đi trước".
Nhưng việc phá vỡ hợp đồng lao động thời hậu chiến giữa nhà nước và công dân có thể chứng minh cho việc trong cái rủi có cái may. Để đổi lấy việc làm suốt đời và an ninh tài chính, các thế hệ sau chiến tranh được cho là phải trả giá bằng cuộc sống gia đình và sức khỏe tinh thần.
"Tôi nghe nói rằng việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống ngày càng tốt hơn ở các công ty Nhật Bản. Phụ nữ có cả gia đình và sự nghiệp không còn là điều không thể nữa", Kato cho hay. Hiện anh đang sống với bố mẹ trong cùng khu chung cư với ông bà.
"Tôi không muốn dành cả cuộc đời làm việc để làm cùng một công việc… Những người ở độ tuổi của tôi không nghĩ như vậy", anh nói. "Chúng tôi cảm thấy mình có nhiều quyền tự do hơn trong việc lựa chọn và chuyển đổi công việc, thậm chí có thể thành lập công ty của riêng mình".