'Lập lờ' phù hiệu xe hợp đồng

3 năm trước 813

"Lập lờ"

Chị An Mỹ, một khách hàng thường xuyên đi xe taxi công nghệ Grab, Be ở Cầu Giấy chia sẻ: "Tôi thường xuyên gọi xe qua ứng dụng để đi làm từ Cầu Giấy vào Hà Đông và thấy khá tiện lợi. Qua theo dõi báo đài thấy chủ trương đổi phù hiệu xe, đổi biển số xe sang màu vàng kinh doanh vận tải đối với taxi công nghệ là yêu cầu bắt buộc để phân biệt với các loại hình xe khác khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế, khi xe đến đón, chỉ thấy lác đác xe đổi biển số màu vàng, còn trên kính lái vẫn dán phù hiệu xe hợp đồng theo mẫu cũ, chưa thực hiện đổi theo quy định hoặc không dán phù hiệu...".

Chị Mỹ cho biết thêm, khách hàng gọi xe ứng dụng hiện nay chủ yếu qua phần mềm cài đặt sẵn trên điện thoại và nhận biết qua biển số xe, điện thoại của lái xe khi đến đón hoặc lái xe ra tín hiệu. Còn khi lưu thông trên đường, thì các xe công nghệ cũng giống như các loại xe khác, lực lượng chức năng khó có thể phát hiện xe nào đang kinh doanh vận tải.

Chú thích ảnhMẫu phù hiệu xe hợp đồng. Ảnh: Sở GTVT Hà Nội.

Trong vai khách hàng đi xe taxi công nghệ, qua trao đổi, nhiều lái xe tiết lộ, do chưa đổi phù hiệu mới theo quy định, nên hầu hết lái xe ứng dụng hiện nay đều bóc phù hiệu xe hợp đồng cũ khỏi kính lái trước mặt để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện xử phạt. Việc này nhằm để xe có thể lưu thông thoải mái khi vào các tuyến phố có biển cấm xe taxi, xe hợp đồng. Nhiều lái xe cũng cho rằng, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên chưa đi đăng ký cấp đổi phù hiệu, cố tình chờ đến thời điểm ngày 31/12/2021 hạn chót phải đổi biển số xe sang màu vàng đối với xe kinh doanh vận tải thì đổi phù hiệu luôn. Không ít doanh nghiệp cũng đề nghị Sở GTVT Hà Nội tạo điều kiện gia hạn hoặc lùi thời gian đổi phù hiệu trước diễn biến dịch.

Qua tìm hiểu, theo Nghị định 10/2020, từ ngày 1/7/2021, tất cả chủ xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ phải làm thủ tục để được cấp phù hiệu mới, phù hiệu cũ đang hoạt động sẽ hết hiệu lực. Sau thời gian trên, các xe không có phù hiệu mới sẽ bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Tại điều 7 Nghị định quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG”, được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe và phải được niêm yết các thông tin khác trên xe.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe kinh doanh vận tải gặp khó khăn, phương tiện phải tạm dừng hoạt động, chờ dịch bệnh được kiểm soát mới quyết định có tiếp tục kinh doanh hay không. Sở GTVT cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các doanh nghiệp, lái xe sớm triển khai đổi phù hiệu. Mỗi xe cấp, đổi phù hiệu, Sở GTVT Hà Nội chỉ thu tiền mua phôi ấn chỉ loại mới với giá 2.650 đồng/phù hiệu và doanh nghiệp, lái xe kinh doanh vận tải không phải nộp thêm bất kỳ loại phí nào khác.

Xử phạt theo quy định

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đến thời điểm này vẫn còn tới gần 30.000 xe kinh doanh vận tải chưa đăng ký cấp đổi phù hiệu mới là quá chậm so với quy định. Việc cấp đổi phù hiệu mới và lộ trình đổi sang biển số vàng nhằm đảm bảo công bằng trong kinh doanh giữa các loại hình vận tải; đồng thời, giúp các lực lượng chức năng dễ dàng nhận biết, phát hiện và xử lý vi phạm giao thông.

Chú thích ảnhKhó phân biệt xe kinh doanh vận tải khi tham gia giao thông nếu không dán phù hiệu.

Sở GTVT cũng đã sẵn sàng các phương án ứng phó, bố trị nhân lực dán phù hiệu trong trường hợp doanh nghiệp vận tải, lái xe đến đăng ký cấp đổi phủ hiệu mới gia tăng về số lượng, thậm chí lên đến 1.000 xe/ngày. Liên quan đến đề xuất lùi thời hạn cấp đổi phù hiệu mới của các doanh nghiệp, lái xe, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định, việc này không thuộc thẩm quyền của Sở, mà phải TP Hà Nội và Bộ GTVT đề xuất trình Chính Phủ phê duyệt. Vì vậy, căn cứ Nghị định 10/CP, xe nào vi phạm vẫn phải xử lý nghiêm.

Đại diện các Đội Cảnh sát giao thông (Phòng CSGT Hà Nội) đồng quan điểm, theo quy định của Nghị định 10, kể từ ngày 1/7/2021, những xe hợp đồng dưới 9 chỗ chưa thực hiện đổi phù hiệu mới theo quy định khi tham gia kinh doanh trên đường nếu được phát hiện sẽ bị xử phạt. Phòng CSGT Hà Nội đề nghị Sở GTVT cung cấp danh sách biển số xe hợp đồng để quá trình tuần tra kiểm soát để có căn cứ xử phạt.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cũng cho rằng, Nghị định 10/CP quy định về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Mục đích của việc dán phù hiệu giúp cơ quan quản lý Nhà nước dễ dàng quản lý các loại xe trong quá trình hoạt động kinh doanh vận tải. Do đó, việc nhiều lái xe hợp đồng dưới 9 chỗ chưa đổi phù hiệu theo quy định là vi phạm những quy định mà Nghị định yêu cầu và cần phải xử lý nghiêm.

Nguồn bài viết