Một nhà hoạt động Na Uy phản đối chính sách khí hậu của nước này bằng hình tượng “Con voi trong căn phòng” - một thành ngữ ám chỉ điều rõ ràng như ban ngày nhưng không ai dám nói đến - Ảnh: Đài CNN
Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu biến đổi khắc nghiệt hơn theo từng năm, các chuyên gia và nhà môi trường chỉ ra một lỗ hổng cực lớn trong các thỏa thuận khí hậu của thế giới, có nguy cơ đẩy nhân loại đến thảm họa.
Đến nay chỉ có một số nhà sản xuất nhỏ dừng cấp phép khai thác mỏ nhiên liệu (hóa thạch) mới, Đan Mạch nằm trong số đó vài tháng trở lại đây. Những quyết định kiểu này cần phải có ở Na Uy, Canada và Anh.
Giáo sư Höhne nhấn mạnh
Nghịch lý về chống biến đổi khí hậu
Ngày 19-2, nước Mỹ dưới trào Tổng thống Joe Biden chính thức quay lại Thỏa thuận khí hậu Paris, nhưng vậy vẫn chưa đủ. Nói như tỉ phú Bill Gates thì cuộc khủng hoảng khí hậu còn cấp bách và nguy hiểm hơn cả đại dịch COVID-19.
Câu hỏi đặt ra là thế giới đã và đang làm gì với tất cả những cam kết, thỏa thuận khí hậu? Khí thải nhà kính có giảm không sau bao nhiêu năm bàn tán?
Đài CNN của Mỹ mới đây có đăng bài phóng sự, trong đó vạch trần sự thật về 3 "nhà vô địch chống biến đổi khí hậu" là Na Uy, Canada và Vương quốc Anh. Na Uy rất tự hào về lối sống "xanh".
Hệ thống giao thông, đèn chiếu sáng công cộng của họ chạy toàn bằng năng lượng tái tạo, 2/3 số xe hơi bán ra là xe điện... Duy nhất có một vấn đề: phần lớn những sáng tạo môi trường đó được nuôi bằng nguồn tiền bán dầu thô.
Trong khi đó, một người phát ngôn Chính phủ Anh trả lời CNN như sau: "Anh đang dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chúng tôi là nền kinh tế lớn đầu tiên luật hóa mục tiêu không xả thải vào năm 2050, và đã cắt giảm khí thải 43% kể từ năm 1990 - tốt nhất trong khối G7".
Sở dĩ Anh có thể mạnh dạn tuyên bố là do theo thỏa thuận quốc tế, mỗi quốc gia tự chịu trách nhiệm về lượng khí thải nhà kính trên lãnh thổ của mình. Điều này có nghĩa Anh, Canada, Na Uy hay bất cứ nước xuất khẩu nào không cần lo về lượng khí thải phát ra do dầu, khí đốt hoặc than đá họ bán cho nước khác. Nhưng Trái đất chỉ có một bầu khí quyển, dù anh đốt nhiên liệu hóa thạch ở đâu thì cũng như nhau.
Ví dụ, lượng khí thải của Na Uy là 53 triệu tấn vào năm 2017, cùng năm đó lượng khí thải phát ra từ số dầu thô, khí đốt họ bán ra nước ngoài đạt 470 triệu tấn, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc (UN Emission Gap Report). Khi được Đài CNN chất vấn, lãnh đạo Na Uy giải thích "tỉnh bơ": "Khí thải liên quan đến dầu và khí đốt Na Uy bán cho các nước khác được tính theo riêng từng nước".
Không ai muốn chịu lỗ
Andrew Grant - chuyên gia về năng lượng và khí hậu thuộc Tổ chức Carbon Tracker (Anh) - chỉ ra rằng nhiều nền kinh tế lệ thuộc lớn vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch, họ thừa hiểu thế giới sớm cần từ bỏ loại năng lượng này nhưng không ai muốn là người đầu tiên chịu lỗ.
Khai thác nhiên liệu hóa thạch rất tốn kém, nhiều nước bào chữa rằng nếu dừng ngay bây giờ sẽ lãng phí tiền thuế của dân đã đổ vào các dự án. Giáo sư Niklas Höhne - nhà đồng sáng lập tổ chức Viện NewClimate (Đức) - dẫn ví dụ dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 chạy từ Nga đến Đức.
"Nó đã xong 95%, người ta muốn vận hành vì tiền bỏ ra đã rất nhiều. Còn tôi cho rằng chúng ta không cần thêm bất cứ hạ tầng nhiên liệu hóa thạch nào nữa, nó đi ngược với tinh thần Thỏa thuận Paris" - ông nêu quan điểm.
Canada, Na Uy và Anh đều có kế hoạch tiếp tục khai thác và đầu tư vào các dự án thăm dò nhiên liệu hóa thạch mới.
Ví dụ số liệu của Cơ quan Quản lý năng lượng Canada cho thấy sản lượng khai thác dầu thô của nước này sẽ còn tăng đến năm 2039. Với trữ lượng dầu khoảng 168 tỉ thùng, nếu khai thác và đốt hết toàn bộ sẽ thải ra 72 tỉ tấn CO2 vào bầu khí quyển - tương đương 1/3 ngân sách carbon còn lại của thế giới.
"Ngân sách carbon" - tức lượng khí nhà kính con người còn có thể thải vào bầu khí quyển với ít nguy cơ làm Trái đất nóng quá 1,5 độ C. Theo nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí Nature, ngân sách carbon còn lại là khoảng 230 tỉ tấn. Thế giới thải ra khoảng 34 tỉ tấn CO2 trong năm 2020, có nghĩa ngân sách carbon còn lại chỉ đủ dùng trong hơn 6 năm nữa với tốc độ này.
Mục tiêu của Thỏa thuận Paris là giới hạn nhiệt độ ấm lên của Trái đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt được điều đó, thế giới cần giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch khoảng 6%/năm trong giai đoạn 2020 - 2030, nhưng dự báo hiện tại lại cho thấy nó không những giảm mà còn sẽ tăng 2%/năm.
Tất nhiên các con số trên chỉ là ước chừng nhưng cho thấy một vấn đề lớn: các kế hoạch cắt giảm khí thải hiện nay của thế giới vẫn chỉ dừng lại ở hô hào, còn cuộc khủng hoảng khí hậu cứ tiếp tục tăng tốc ngày càng kinh khủng hơn.