Đi không được, ở không xong
Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Thụy Hùng được xây dựng ở địa bàn 3 thôn là: Cò Luồng, Nà Hình (xã Thụy Hùng) và Nà Tồng (xã Trùng Khánh) của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là khu vực vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn, có diện tích đất rộng nhưng bạc màu, mật độ dân cư thưa.
Làng được đầu tư xây dựng từ tháng 3/2008, chủ đầu tư dự án là Tỉnh đoàn Lạng Sơn. Tháng 4/2013, dự án hoàn thành và bàn giao sử dụng với tổng nguồn kinh phí đầu tư hơn 30 tỷ đồng, trong đó có các hạng mục công trình về giao thông, văn hóa, giáo dục, điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt, hệ thống truyền thanh…; thu hút được 65 hộ thanh niên đến định cư, sinh sống.
Để tạo điều kiện cho thanh niên ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, Tỉnh đoàn Lạng Sơn và chính quyền tỉnh đã hỗ trợ tiền làm nhà, cấp đất ở, đất vườn và đất rừng để khai hoang sản xuất… Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây đã phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt gia đình.
Bí thư Đảng ủy xã Thụy Hùng (huyện Văn Lãng) Trần Anh Dũng cho hay, thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất canh tác, đất đồi cằn cỗi không thể trồng xen canh được các loại cây nông nghiệp… đã khiến đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Dù đã nỗ lực cố gắng song vẫn không đủ trang trải cuộc sống, nhiều người đã phải đi làm thêm để cải thiện.
Con đường dẫn đến ngôi nhà của chị Hà Thị Nét cỏ dại mọc um tùm, nằm lọt thỏm ở lưng chừng đồi. Ở gần khu nhà chị Nét có 3, 4 căn nhà bỏ hoang. Những hộ này không biết đã bỏ đi từ khi nào, không thấy trở lại. Kinh tế của gia đình chị Nét phụ thuộc vào việc nấu rượu, chăn nuôi 3 con lợn với vài con gia cầm.
Chị Nét tâm sự: “Gia đình tôi còn may mắn so với nhiều hộ khác ở đây vì vẫn còn đất đai, nhà cửa ông bà tại nơi ở cũ, vẫn có thể đi về. Bản thân tôi vẫn về nơi ở cũ thường xuyên vì vẫn tham gia sinh hoạt đoàn thể ở đó. Ở Làng này không có tổ chức đoàn thể nên mong các cấp có những hỗ trợ về chính sách, tạo công ăn việc làm cho người dân chúng tôi chủ động hơn trong cuộc sống, thu hút thêm người đến với Làng”.
Theo người dân trong làng, nhiều hộ đến ở chưa được 2 năm đã bỏ đi. Một số hộ thi thoảng trở về nhưng sau đó tiếp tục đi nơi khác làm thuê kiếm sống. Dù đã thành lập lâu năm nhưng làng không có trưởng thôn, trưởng làng. Đến nay, điểm trường mầm non trong làng đã bị bỏ hoang vì không có học sinh. Các hoạt động về sinh hoạt đoàn thể trong làng từ khi thành lập cũng không được tổ chức, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân.
Là người dân đến định cư tại Làng Thanh niên lập nghiệp từ năm 2010, gia đình chị Bế Thị Lệ có 8 nhân khẩu cùng sinh hoạt trong căn nhà cấp 4, diện tích hơn 70 m2. Vì thiếu đất sản xuất, không đủ tiền nuôi gia đình, vợ chồng chị đã phải đi tìm thêm ở địa phương khác để có tiền sửa chữa nhà.
Chị Lệ chia sẻ: “Các hộ khác bỏ làng để về nơi ở cũ sinh sống vì họ vẫn còn đất đai, nhà cửa ở đó. Còn gia đình tôi không còn nhà cửa, đất đai. Giờ bỏ làng về cũng không có chỗ “chui ra, chui vào”. Vậy nên đành phải cố gắng bám trụ lại đây. Tôi cũng tính sẽ đến chỗ khác sinh sống khi có điều kiện”...
Cần tạo sinh kế bền vững
Do quá khó khăn nên đến nay đã có hơn 10 hộ dân trong làng bỏ nhà để trở về quê cũ sinh sống. Nhiều hộ khác thi thoảng mới về làng nhưng không ở thường xuyên. Theo Tỉnh đoàn Lạng Sơn, sau khi thực hiện xong Dự án Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Thụy Hùng năm 2013, Tỉnh đoàn đã bàn giao lại cho UBND huyện Văn Lãng là đơn vị quản lý Dự án này.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn, Lăng Văn Chí cho hay, trước những khó khăn của người dân, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Tỉnh đoàn chỉ huy động nguồn lực như chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, tổ chức các hoạt động hướng về vùng khó khăn biên giới. Về lâu dài, đơn vị sẽ phải kêu gọi các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân; đặc biệt là hỗ trợ phát triển kinh tế, làm thay đổi cuộc sống của người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng Bế Thị Vẫn, để khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, chính quyền địa phương đã kiện toàn lại Ban Liên lạc tại Làng Thanh niên để thường xuyên nắm bắt tình hình, nguyện vọng và đề xuất của nhân dân. Hiện, huyện đang tiến hành các thủ tục để triển khai Dự án chăn nuôi gia súc tại trung tâm Làng thanh niên. Nếu dự án được thực hiện sẽ tạo điều kiện về công ăn việc làm trực tiếp cho người dân. Cùng với đó, địa phương đang cố gắng sắp xếp, triển khai các dự án khác trong các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế.
Bí thư Đảng ủy xã Thụy Hùng (huyện Văn Lãng) Trần Anh Dũng đề xuất, cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư hỗ trợ dạy nghề cho thanh niên, định hướng phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn, đầu tư cây trồng, con giống… để mọi người bảo đảm có thu nhập tại chỗ.
Đường vào Điểm trường Mầm non Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Thụy Hùng (tỉnh Lạng Sơn) um tùm cây cỏ vì bỏ hoang nhiều năm qua.Từ thực tế trên cho thấy, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Lạng Sơn nếu không sớm đưa ra những giải pháp căn cơ, bền vững, Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Thụy Hùng sẽ có thêm nhiều nhà bỏ hoang. Đặc biệt, hàng chục tỷ đồng tiền đầu tư sẽ trở nên lãng phí nếu Dự án không mang lại sự đổi thay cho các gia đình khi đến vùng đất mới nơi biên cương như kỳ vọng ban đầu...