Theo bác sĩ Trần Hoàng Tùng - phó trưởng khoa phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khớp háng là một trong những khớp lớn nhất của cơ thể, đảm bảo cho cử động phần dưới cơ thể được linh hoạt. Khớp háng được cấu tạo bởi các thành phần: chỏm xương đùi, ổ cối của xương chậu, sụn viền.
Trong đó quan trọng nhất là chỏm xương đùi, đây là phần tiếp nối giữa xương đùi với xương chậu, giữa chân và thân người. Tuy nhiên, mạch máu nuôi bộ phận này lại nghèo nàn.
Bác sĩ Tùng cho hay bệnh hay gặp ở độ tuổi từ 30 - 50 tuổi và gần đây số lượng bệnh nhân bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi tại Việt Nam ngày càng gia tăng và tuổi ngày càng trẻ. Tình trạng hỏng khớp háng ở các mức độ khác nhau, nhiều trường hợp buộc phải thay khớp háng nhân tạo khi tuổi đời còn rất trẻ.
Theo một nghiên cứu vừa được thực hiện trên 67 bệnh nhân điều trị vô khuẩn chỏm xương đùi trong 5 năm (từ năm 2017 đến 2022), bệnh nhân được lựa chọn theo dõi dưới 40 tuổi và được chẩn đoán hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi được thay khớp háng toàn phần không xi măng.
Nghiên cứu này cũng loại trừ các bệnh nhân hơn 40 tuổi, có mắc bệnh mãn tính (lupus, viêm đa khớp...) hay các bệnh không đủ điều kiện phẫu thuật.
Kết quả cho thấy bệnh nhân nhỏ nhất là 21 tuổi, lớn nhất là 40 tuổi, trong đó nam giới chiếm 94%, nữ giới chiếm 6%.
Điều đáng nói, trong nghiên cứu này có tới 43,3% số bệnh nhân lạm dụng rượu ở mức trên 1.300ml/tuần. Các bệnh nhân sử dụng chủ yếu là rượu trắng chiếm 43/67 (64,2%) (là loại rượu thường có nồng độ cồn khoảng 30%).
Tỉ lệ bệnh nhân hút thuốc lá cũng chiếm gần 50%, bệnh nhân hút thuốc lá nhiều từ 10 bao năm có tỉ lệ mắc bệnh cao chiếm 25,4%.
"Kết quả nghiên cứu có tới 85% bệnh nhân sử dụng rượu. Trong đó tổn thương khớp háng cả hai bên là 78%, cao hơn rất nhiều so với không sử dụng rượu là 60%.
Bệnh nhân hút thuốc lá chiếm 49% trong tổng số 67 bệnh nhân, nhưng trong số đấy tổn thương khớp háng cả hai bên là 79%, cao hơn so với không hút thuốc là 65%.
Bệnh nhân hút thuốc lá đồng thời sử dụng rượu chiếm 49% và trong số đó có đến 88% bệnh nhân bị tổn thương cả hai bên, cao hơn rất nhiều so với số bệnh nhân không đồng thời sử dụng cả rượu và thuốc lá (56%), và cao hơn so với số bệnh nhân chỉ dùng rượu hoặc thuốc lá đơn thuần.
Điều này nói lên rượu và thuốc lá là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến toàn thân, ảnh hưởng đến bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi và gây tổn thương khớp háng tiến triển ở cả hai bên", bác sĩ Tùng thông tin.