Lại nhớ những ngày miền Bắc

1 năm trước 135
Lại nhớ những ngày miền Bắc - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

68 năm đã trôi qua từ ngày những cô cậu "hạt giống đỏ bé tí teo" ngày ấy theo nhau từ Nam ra Bắc sống một cuộc sống mới, nay đã nên ông nên bà, đã là những người nhiều năm gánh trọng trách trên vai như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, nguyên bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh... 

Vì thế cuộc gặp gỡ tại địa điểm lịch sử trong ngày kỷ niệm lịch sử vẫn thắm tình như ngày nào trên đất Bắc. Hàng trăm người là hàng trăm cuộc đời, hàng ngàn câu chuyện chợt sống lại trong những phút hàn huyên...

Dầu bản thân và gia đình phải chịu nhiều hy sinh, không có học sinh miền Nam nào phản bội cuộc kháng chiến, phản bội đất nước. Các trường học sinh miền Nam đã để lại một kinh nghiệm quý báu về mô hình giáo dục thành công, tập trung tinh hoa để có sản phẩm là những con người đã chiến đấu, hy sinh, đóng góp cho đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (cựu học sinh miền Nam)

Những bữa cơm trắng

Lại nhớ những ngày miền Bắc - Ảnh 3.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi tặng món quà đặc biệt là tranh Bác Hồ kết bằng đá quý đến đại diện Ban liên lạc các thế hệ học sinh miền Nam - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhớ lại những ngày ấy, ai cũng bùi ngùi nhắc đến những bữa cơm. Ông Trương Hòa Bình lặp lại tới mấy lần trong bài phát biểu của mình: "Chúng tôi được chăm sóc chu đáo bằng những bữa cơm trắng có đầy đủ thịt cá, rau xanh, lại có cả trái cây tươi nữa". 

Những bạn trẻ hôm nay sẽ chẳng thể nào hiểu được ý nghĩa sâu xa của bữa cơm ấy. Những thiếu niên học sinh miền Nam ngày ấy cũng phải qua tới mấy ngày, một tuần mới biết được những người chủ nhà Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định đã nhường chiếc sập duy nhất trong nhà cho mình hoặc mới biết cả gia đình mà mình được "ở trọ" đang ăn nồi rau khoai, củ chuối với chén mắm mặn chát dưới góc bếp sau khi đã dọn cho mình mâm cơm tươm tất. 

Miền Bắc những ngày ấy mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, lại mất mùa, lại thiên tai...Nhưng chủ trương "dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho miền Nam" luôn được tuân thủ tuyệt đối. 

Thầy giáo Nguyễn Quốc Thái (Hải Phòng) kể ngày ấy ông cũng như người dân ai cũng được thấu hiểu chủ trương lớn của Đảng, của Bác trong chăm sóc học sinh miền Nam. 

Vì hoàn cảnh đất nước, vì cuộc chiến tranh đang ngày một ác liệt mà các em phải xa ba má, phải xa gia đình, quê hương. Mai này, sau khi học xong, chính các em sẽ phải gánh nhiệm vụ là người xây dựng lại quê hương, đất nước. Vì vậy mà đói cũng không ai ăn phần gạo đã được dành cho các em. 

Còn trẻ lắm, nhưng các thầy cô giáo ngày ấy phải thay cả nghĩa tình cha mẹ. "Thầy cô như ngọn gió lành/ Ru em với cả tâm tình nặng sâu/ À ơi em ngủ đi mau/ Mẹ cha đánh giặc còn lâu chưa về..." - ông Thái ngâm nga kỷ niệm.

Hiểu được từng hạt gạo chất chứa tầng tầng lớp lớp nghĩa tình, hy vọng ấy, những học sinh miền Nam chẳng còn cách nào khác để phải vượt lên nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ quay quắt, vượt lên những xa lạ, bó buộc của lối sống tập thể, vượt lên những tin tức chiến tranh ngày một ác liệt, vượt lên thử thách khi cái hẹn hai năm được trở về Nam cứ nhân lên gấp đôi, gấp ba, rồi gấp 10 lần. 

Lại nhớ những ngày miền Bắc - Ảnh 4.

Các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc mừng rỡ khi gặp lại nhau tại Hội trường Thống Nhất, quận 1, TP.HCM sáng ngày 2-5 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Bác sĩ Huỳnh Kim Mai viết: "Thiếu nhi miền Bắc còn lưng trần/ Nhưng mình được ấm đến tận chân/ Đồng bào hai bữa ăn rau cháo/ Mình được cơm no, gạo trắng ngần". 

Ông Lê Văn Tân viết: "Cái thuở ấy mẹ cha đi đánh giặc/ Gửi con ra miền Bắc xa xôi/ Nhà chúng ta mỗi người mỗi ngả/ Xa nhau rồi, ngơ ngác, nhớ nhau/ Cái thuở ấy nước non chưa liền mối/ Dòng sông quê cứ đỏ máu người dân/ Nơi xa thẳm cứu muốn về quê mẹ/ Khúc ruột chia lìa, đau lắm mẹ ơi"...

Những "hạt giống đỏ" rồi cũng trổ hoa thơm, kết trái ngọt. Hôm nay ông Trương Hòa Bình bùi ngùi nhắc những tên liệt sĩ là những học sinh miền Nam đã hoàn tất nhiệm vụ học tập, học xong rồi mà hòa bình vẫn chưa đến, vẫn chưa thể được làm việc xây dựng đất nước, đành phải tiếp tục cầm súng: các phi công Anh hùng Đồng Văn Đe, Trần Triêm, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Chu Cẩm Phong... 

Đợi được hòa bình, nhiều người đã say sưa cống hiến cả đời cho sự nghiệp phát triển đất nước, được tặng danh hiệu Anh hùng lao động như Lê Văn Kiểm, Huỳnh Văn Thòn, Dương Ngọc Triều... "Tên của mỗi các bạn là một thành quả đáng tự hào của đất nước, của nhân dân", ông Trương Hòa Bình lặp lại.

Lại nhớ những ngày miền Bắc - Ảnh 5.

Cô Trần Thu Thảo (ngồi, bìa trái) - học sinh miền Nam Vĩnh Yên (hiện ở quận 7, TP.HCM) - chụp hình cùng những bạn học xưa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sự trưởng thành đền đáp

Đến với cuộc gặp mặt với tư cách một học sinh miền Nam đã từng trèo đèo, lội suối vượt Trường Sơn ra Bắc từ khi tuổi còn rất nhỏ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Từ ngày ấy, mỗi chúng ta đều đã gắn bó suốt đời với danh nghĩa "học sinh miền Nam", mang trong tim tình yêu với Bác Hồ, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc. Dầu bản thân và gia đình phải chịu nhiều hy sinh, không có học sinh miền Nam nào phản bội cuộc kháng chiến, phản bội đất nước. 

Các trường học sinh miền Nam đã để lại một kinh nghiệm quý báu về mô hình giáo dục thành công, tập trung tinh hoa để có sản phẩm là những con người đã chiến đấu, hy sinh, đóng góp cho đất nước. Thành tựu ấy để lại những kinh nghiệm, bài học, ý tưởng cho công tác giáo dục, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho thời đại hội nhập của chúng ta".

Lại nhớ những ngày miền Bắc - Ảnh 6.

Bà Trần Tố Nga, một học sinh miền Nam xưa hiện đang rất nổi tiếng với vụ kiện quốc tế tại Pháp - đòi công bằng cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đồng quan điểm với Chủ tịch nước, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, một lần nữa nhắc nhớ: "Sau Hiệp định Genève, những cán bộ đi tập kết đều đưa hai ngón tay như ước hẹn với niềm tin son sắt: hai năm thôi sẽ về. Nhưng tầm nhìn chiến lược của Bác, của Đảng đã thấy cuộc đấu tranh này có thể là 5, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Vậy là đường tập kết có thêm những em thiếu niên, nhi đồng...

Từ những năm 1960, lần lượt các thế hệ học sinh miền Nam tốt nghiệp đại học và đóng góp phần mình vào công cuộc kháng chiến, xây dựng đất nước, lại càng phát huy hiệu quả trong miền Nam hòa bình sau 1975. Sự trưởng thành của học sinh miền Nam đã đền đáp được tấm lòng thương yêu, đùm bọc và công ơn nuôi dạy của đồng bào miền Bắc".

Từ 1954 - 1975, hơn 32.000 học sinh miền Nam đã được đưa ra Bắc bằng nhiều con đường khác nhau, được học tập tại 28 trường miền Nam ở nhiều địa phương miền Bắc.

Cùng đến tham dự buổi họp mặt sáng 2-5 có rất nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đương nhiệm cũng như đã nghỉ hưu từng là học sinh miền Nam còn có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các địa phương đã gửi rất nhiều thế hệ con em vượt Trường Sơn đến các trường miền Nam: Vũng Tàu, Bình Dương, An Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Nam, Đồng Nai... ; lãnh đạo các địa phương mà trường miền Nam từng đặt trụ sở: Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An.

Lưu giữ những ngày không quên

HOP MAT

(Từ trái) Chú Lê Văn Tân, cô Tăng Kim Đoan, chú Lê Khâm là học sinh miền Nam vui mừng khi gặp lại - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Không dừng lại ở việc nhắc nhớ kỷ niệm, kinh nghiệm như những ngày họp mặt của mấy mươi năm đã qua, năm nay, kỷ niệm 68 năm tập kết, hướng tới dịp kỷ niệm 70 năm lịch sử, đại diện ban liên lạc học sinh miền Nam, ông Nguyễn Khánh Toàn thông báo một tin vui:

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã quyết định dành một vị trí xứng đáng trong khu du lịch Văn hóa - Lịch sử tại TP Sầm Sơn để xây dựng hạng mục tượng đài "Con tàu tập kết" và "Bảo tàng tập kết", để ghi nhớ ý nghĩa lớn lao của sự kiện "Tập Kết" trong lịch sử, tri ân những ngày người dân Thanh Hóa đã làm một bức tường áo nâu, cưu mang, bảo bọc cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam.

"Là những người trong cuộc, chúng tôi tin rằng mỗi anh chị em học sinh miền Nam đều nhận thức rõ bổn phận, trách nhiệm trong việc đóng góp cho các công trình này. Ban liên lạc chính thức phát động các thế hệ học sinh miền Nam đóng góp kỷ vật, tư liệu cho bảo tàng tập kết và quyên góp quỹ xây dựng công trình. Mỗi đóng góp nhỏ đều có ý nghĩa rất lớn...", ông Nguyễn Khánh Toàn xúc động phát biểu.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP ủng hộ ý này, cam kết sẽ đồng hành cùng các địa phương để công trình sớm hoàn thành.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thì ân cần căn dặn các anh chị em học sinh miền Nam của mình giữ gìn sức khỏe để còn được gặp nhau và tham dự lễ kỷ niệm 70 năm tập kết chắc chắn sẽ được tổ chức thật lớn ở Sầm Sơn, khi công trình tượng đài và bảo tàng hoàn thành.

Qua tổng kết sơ bộ đến cuối ngày 2-5, các khoản đóng góp của các địa phương và doanh nghiệp gửi đến ban liên lạc đã hơn 70 tỉ đồng, đủ cho phần dự toán xây dựng tượng đài tập kết.

"Phần bảo tàng đang chờ các anh chị em tiếp tục đóng góp những kỷ niệm, kỷ vật quý giá của mình...", ông Nguyễn Khánh Toàn nói trước khi kết thúc buổi họp mặt.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất BắcNhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

TTO - Sáng 2-12, Ban Liên lạc học sinh miền Nam trung ương đã tổ chức họp báo thông tin các hoạt động kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-2019) và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Bác Hồ.

Nguồn bài viết