Hàng chục doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ và Charm Group tổ chức buổi tọa đàm xúc tiến thương mại trên lĩnh vực du lịch và nông nghiệp với chủ đề "Tiềm năng vùng đất Lạc Dương" vào chiều 16-4.
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Huyện ủy, UBND Lạc Dương và hàng chục doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông sản... nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và du lịch, dịch vụ của huyện Lạc Dương.
Các sản vật Lạc Dương thu hút nhà đầu tư tại chương trình xúc tiến đầu tư - Video: VĂN BÌNH
Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, những người dân tộc bản địa của Lạc Dương cũng đã vượt hàng trăm cây số mang sản vật quê hương, niềm tự hào của dân tộc giới thiệu đến du khách gần xa ở TP.HCM.
Các sản vật Lạc Dương được mang về TP.HCM giới thiệu đến du khách, các nhà đầu tư tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ vào chiều 16-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nằm gần Đà Lạt, Lạc Dương có vô vàn tiềm năng
Ông Sử Thanh Hoài - chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - cho rằng chương trình này là cơ hội lớn để Lạc Dương gặp gỡ, chia sẻ, quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của huyện đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước.
Ông Sử Thanh Hoài - chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - giới thiệu các tiềm năng của vùng đất Lạc Dương và kêu gọi đầu tư - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đánh giá về những lợi thế của Lạc Dương, ông Hoài cho biết đây là địa phương nằm giáp ranh thành phố Đà Lạt, có diện tích gấp đôi Singapore, có các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tương đồng và là vùng phụ cận của thành phố Đà Lạt.
Trong đó, Lạc Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực và điều kiện sinh thái phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là những loại nông sản đặc sản có ưu thế như rau, hoa cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới.
"Đến nay, toàn huyện hiện có 922,2ha sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác đạt 300 triệu đồng/ha, cao gần gấp 2 lần so với thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích của tỉnh Lâm Đồng và gấp 3 lần so với thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích của cả nước" - ông Hoài nói.
Đặc biệt, ông Hoài cho hay Lạc Dương cũng là một trong những địa phương của tỉnh Lâm Đồng đi đầu trong việc thực hiện sản xuất nông nghiệp không hóa chất.
Giới thiệu các sản vật Lạc Dương đến du khách, nhà đầu tư quốc tế - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Du lịch Lạc Dương liên tục tăng trưởng
Đối với lĩnh vực du lịch, ông Hoài cho biết huyện Lạc Dương có vị trí địa lý tương đối thuận lợi (giáp thành phố Đà Lạt - là thị trường du lịch lớn), điều kiện thiên nhiên ưu đãi, khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ, có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ động thực vật phong phú.
Nhân dân các dân tộc huyện Lạc Dương có nền văn hóa phong phú, đặc biệt văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên nơi đây thuộc không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO vinh danh. Đồng thời, huyện Lạc Dương là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO vinh danh.
Để định lượng hóa lợi thế du lịch, ông Hoài đưa ra con số minh chứng tốc độ tăng trưởng chung của ngành du lịch, dịch vụ hằng năm của huyện đều tăng, trong giai đoạn 2017-2020 huyện Lạc Dương đã thu hút được khoảng 9 triệu lượt khách, đặc biệt có gần 5,8 triệu lượt khách thông qua các hoạt động có thu vé...
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm cà phê Lạc Dương bên lề buổi tọa đàm vào chiều 16-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Với những tiềm năng, thế mạnh trên, huyện Lạc Dương mong muốn thông qua hội nghị này sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư đến tìm hiểu về những cơ hội đầu tư tại huyện, cũng như có những kết nối giữa doanh nghiệp của huyện Lạc Dương và các doanh nghiệp của TP.HCM trên lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, bất động sản. Đồng thời, tôi mong muốn tại hội nghị ngày hôm nay sẽ tạo điều kiện để các bạn trẻ của huyện Lạc Dương có cơ hội khởi nghiệp với những sản phẩm đặc trưng của địa phương" - ông Hoài nói.
Men rượu cần đặc trưng của vùng đất cuốn hút Lạc Dương được mang về TP.HCM làm nao lòng du khách - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhà báo Trần Xuân Toàn - ủy viên ban biên tập báo Tuổi Trẻ - đánh giá Lạc Dương sở hữu rất nhiều tiềm năng ở nhiều lĩnh vực từ du lịch, nông nghiệp, rừng, tài nguyên, khí hậu... Với những lợi thế đặc thù trên, ông Toàn cho rằng Lạc Dương đang có tiềm năng lớn để phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành du lịch.
Còn với hoạt động đầu tư, ông Toàn cho rằng Lạc Dương có lợi thế thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, khai thác sự hoang sơ của thiên nhiên, khí hậu mát mẻ. Đồng thời, Lạc Dương cũng là nơi cung cấp "bếp ăn" một phần cho TP.HCM với các loại nông sản. Do đó, ông Toàn nhận định huyện Lạc Dương sẽ trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Lãnh đạo UBND Lạc Dương tặng hoa cho bà Liêu Thị Phượng - tổng giám đôc Charm Group và ông Trần Xuân Toàn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đầu tư du lịch gắn với bảo vệ rừng
Ông Phạm Triều - Bí thư Huyện ủy Lạc Dương - cho rằng huyện sẽ tạo điều kiện, nghiên cứu các quy định, hướng dẫn cho các nhà đầu tư một cách phù hợp. Theo ông Triều, khi nhà đầu tư du lịch Lạc Dương, huyện này không thể thu hút các nhà đầu tư du lịch xây dựng công trình mang dáng dấp của du lịch hiện đại, xây dựng cơ sở mới phải giải tỏa đất đai mà phải xây dựng những công trình gắn với cảnh quan môi trường của huyện.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang có chính sách thu hút nhà đầu tư bằng cách chấm dứt đầu tư với các nhà đầu tư không hiệu quả, phá rừng. Điều này ông Triều cho rằng có thêm dư địa cho các nhà đầu tư mới nếu đảm bảo chủ trương của tỉnh.
Là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, sở hữu nhiều dự án du lịch..., bà Liêu Thị Phượng - tổng giám đốc Charm Group - cho rằng Lạc Dương là vùng đất tươi đẹp để hướng để đầu tư nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là du lịch. Với những thông tin mà lãnh đạo huyện Lạc Dương đưa ra, bà Phượng đã chia sẻ những ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch của mình, gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo nên sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng mới.
Ông Sử Thanh Hoài - chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - chia sẻ về tiềm năng Lạc Dương tại tọa đàm - Video: VĂN BÌNH
Ông Sử Thanh Hoài cho biết về cân đối quỹ đất, Lạc Dương không thể thu hút đầu tư, phát triển một cách đại trà, về quỹ đất phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại. Ông Hoài cho hay diện tích Lạc Dương gấp 3 lần TP Đà Lạt, rất thuận lợi đã phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định để phát triển du lịch sinh thái ở dưới tán rừng, với độ che phủ 85%, Lạc Dương có điều kiện thuận lợi kêu gọi đầu tư. Ông Hoài cho hay doanh nghiệp làm các công trình dưới tán rồng, không chặt rừng, đây là lợi thế cân đối về mặt quỹ đất. Đồng thời, Lâm Đồng đang thí điểm chuyển dần vừa làm nông nghiệp vừa kết hợp du lịch, điều này thuận lợi cho phát triển du lịch Lạc Dương.
*Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật...