Nhiều doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong thủ tục vận chuyển hàng hóa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thực trạng trên được Bộ Công thương nhận định khi đề cập đến những vấn đề có liên quan đến khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, được đồng loạt các hiệp hội ngành hàng bức xúc phản ảnh trong giai đoạn dịch COVID-19 hết sức căng thẳng hiện nay.
Bộ Công thương cho rằng, để thực hiện được "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, chính những người lao động trong các ngành vận tải (đặc biệt là các tài xế, nhân viên vận tải liên tỉnh, logistics cảng biển…) đóng vai trò hết sức quan trọng tương tự với các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Tuy nhiên, do chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này, các địa phương chỉ nhắm vào việc quy định "hàng hóa thiết yếu" để hạn chế lưu thông hàng hóa mà chưa ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch, đặc biệt là việc ưu tiên tiêm vắc xin, từ đó dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp.
"Trong trường hợp đội ngũ lao động trong các ngành vận tải, đặc biệt là vận tải liên tỉnh, được ưu tiên tiêm vắc xin tương tự như các lực lượng tuyến đầu chống dịch, việc kiểm soát dịch bệnh trong quá trình lưu thông hàng hóa sẽ được thuận lợi hơn rất nhiều và sẽ không cần thiết phải có những quy định về hạn chế lưu thông hàng hóa và "hàng hóa thiết yếu" có thể lưu thông như hiện nay", Bộ Công thương nêu quan điểm.
Do đó, Bộ Công thương đề nghị Bộ Y tế cần xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các thành phần ưu tiên tiêm vắc xin theo hướng bổ sung lao động trong ngành vận tải, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các thành phần khác trong ngành logistics (như đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu…) nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.
Đồng thời, sửa đổi mức ưu tiên đối với thành phần lao động có thân nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất…) nhằm bảo đảm an toàn, cũng như để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Bộ Y tế cần có trách nhiệm giám sát việc tiêm vắc xin cho các thành phần lao động này và có chế tài xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện chỉ đạo nêu trên", Bộ Công thương đề xuất.