Một số chuyên gia lo ngại nếu tình hình tiếp tục căng thẳng, Israel có thể triển khai bộ binh tới Dải Gaza. Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là chiến tranh Gaza lần thứ ba kể từ khi Hamas kiểm soát vùng lãnh thổ này - Ảnh: REUTERS
Một loạt sự kiện chính trị và tôn giáo đã châm ngòi cho cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine kể từ năm 2014.
Mồi lửa trực tiếp cho căng thẳng lần này là việc chính quyền Israel đuổi một số gia đình Palestine sinh sống đã lâu tại khu vực Sheikh Jarrah thuộc Đông Jerusalem.
Tức giận trước hành động này, nhiều người Palestine tụ tập bên ngoài các tòa nhà người Do Thái vừa dọn vào. Cảnh sát được gọi đến và dẫn tới đụng độ vào cuối tuần trước, khiến gần 200 người Palestine bị thương.
Hamas, tổ chức vũ trang của người Palestine ở Dải Gaza, không bỏ qua cơ hội củng cố sức ảnh hưởng. Trong các tuyên bố ngày 10-5, lực lượng này cam kết đứng về phía người dân Palestine bị lấy đất và thề sẽ biến một số thành phố của Israel thành "địa ngục", bao gồm cả Tel Aviv.
Hàng chục ngàn người Palestine sau đó xuất hiện ở đền thờ Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo. Đền thờ nằm tại khu thành cổ Jerusalem và sát với Bức tường than khóc - địa điểm linh thiêng bậc nhất với người theo Do Thái giáo.
Sau cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm đóng Đông Jerusalem (bao gồm khu thành cổ) và tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của nước này, bất chấp sự phản đối của quốc tế khi đó.
Việc chính quyền Israel đẩy người Palestine khỏi một số khu vực của Đông Jerusalem trong tuần qua diễn ra vào đúng tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Hành động này bị phóng đại thành hành vi ngăn cản người Palestine đến Al-Aqsa, nên càng khiến không khí bất mãn tăng cao.
Theo Hãng tin AFP, trong vòng 3 ngày qua, Hamas đã bắn hơn 1.500 quả rocket vào lãnh thổ Israel, bao gồm cả thủ đô trên thực tế là Tel Aviv. Quân đội Israel đáp trả bằng hàng trăm cuộc không kích, tuyên bố tiêu diệt hàng chục thủ lĩnh Hamas kể từ ngày 10-5.
Trích dẫn số liệu của cơ quan y tế Gaza, AFP cho biết các vụ không kích trả đũa của Israel đã giết chết 67 người Palestine, trong đó có 17 trẻ em. Ở chiều ngược lại, giới chức y tế Israel cáo buộc rocket của Hamas đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 người Do Thái.
Lo ngại trước tình hình này, một số hãng hàng không Mỹ đã hủy chuyến bay tới Tel Aviv. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã lên lịch cho một cuộc họp kín vào ngày 13-5. Đây là cuộc họp thứ ba của Hội đồng Bảo an về Israel và Palestine trong 3 ngày qua.
Trong lúc quốc tế đang tìm giải pháp gỡ rối, lửa giận dữ ngày càng lớn hơn ở Gaza làm dấy lên lo ngại một cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hamas có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Người Palestine vẫy cờ Hamas bên ngoài đền thờ Al-Aqsa để phản đối hành động lấy đất của chính quyền Israel. Căng thẳng tăng cao khi hàng ngàn người Do Thái cũng đổ về khu thành cổ để kỷ niệm ngày Israel chiếm được Đông Jerusalem - Ảnh: REUTERS
Cảnh sát Israel được triển khai đến khu vực và khó tránh khỏi đụng độ với người Palestine. Những người Hồi giáo Palestine tin rằng sự hiện diện của họ không chỉ phản đối sự chiếm đóng của Israel đối với Đông Jerusalem, mà còn đại diện cho sự tức giận của thế giới Hồi giáo với nhà nước Do Thái - Ảnh: REUTERS
Hamas phóng rocket như mưa về phía lãnh thổ Israel sau đụng độ bên ngoài đền thờ Al-Aqsa. Trong ảnh: Hệ thống phòng thủ Vòm sắt của Israel hoạt động liên tục để đánh chặn rocket của Hamas - Ảnh: REUTERS
Khoảnh khắc tên lửa Israel bắn trúng một tòa nhà được cho là của Hamas ở Dải Gaza - Ảnh: REUTERS
Pháo 155mm của quân đội Israel khai hỏa vào các khu vực của Hamas - Ảnh: AFP
Nhiều khu vực tại Dải Gaza và một số tại khu Bờ Tây tan hoang vì đạn pháo và tên lửa của Israel. Trong ảnh: Ba người đàn ông Palestine tại Gaza cầu nguyện trong đống đổ nát ngày 13-5, ngày đầu tiên sau tháng lễ Ramadan - Ảnh: AFP
Người thân của một người Palestine thiệt mạng vì đạn pháo Israel khóc ngất trong đám tang - Ảnh: REUTERS
Biểu tình tại Nam Phi phản đối Israel sử dụng bạo lực gây thương vong cho dân thường Palestine - Ảnh: REUTERS
Đám đông ủng hộ Palestine và ủng hộ Israel chạm mặt nhau trên đường phố New York (Mỹ) ngày 12-5 - Ảnh: REUTERS
Xung đột hiện tại giữa Hamas và Israel không chỉ bắt nguồn từ tôn giáo mà còn nhiều vấn đề khác, từ chính sách của người Israel đối với người Palestine tại các khu vực chiếm đóng, chính sách mở rộng các khu định cư cho người Do Thái đến cả những căng thẳng chính trị trong nội bộ Israel và Palestine - Ảnh: REUTERS