Hằng ngày, đại úy Linh (bìa phải) cùng các đồng đội đều phải tập luyện để thực hiện nhuần nhuyễn các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ - Ảnh: Đ.C.
Không chỉ vậy, đại úy Linh còn được nhiều người ở Đà Nẵng biết đến là người xung phong hiến máu cứu người, bất kể ngày đêm, thậm chí là bỏ ngang cuộc họp…
Xem người bị nạn như người thân
Gặp đại úy Linh trong những ngày đầu mùa nắng, anh và đồng đội nhễ nhại mồ hôi tập luyện trong tiết trời oi ả của miền Trung.
Tạm nghỉ ít phút, Linh tâm sự: "Lính cứu hỏa mà, phải luôn rèn luyện, xử lý các tình huống có thể xảy ra và sẵn sàng xuất quân bất kể lúc nào".
Cách đây chưa lâu, tại hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" diễn ra ở hội trường Công an TP Đà Nẵng, có một cuộc gặp gỡ thật xúc động của những anh lính cứu hỏa và 1 bác công nhân quê ở Đại Lộc (Quảng Nam).
Đó là cuộc hội ngộ của ông Lê Thạnh (55 tuổi) cùng những ân nhân của mình là đại úy Linh và đồng đội của anh. Bùi ngùi, xúc động, ông Thạnh chia sẻ rằng nếu không có sự ứng cứu kịp thời, chuyên nghiệp của các anh lính cứu hỏa thì không biết ông còn đến hôm nay không.
Ông Thạnh gặp lại những người lính cứu hỏa là những ân nhân của mình vào tháng 6-2020 - Ảnh: Đ.C.
Tháng 10-2019, khi ông Thạnh đang làm công nhân vệ sinh tại một công trình xây dựng ở Đà Nẵng, bất ngờ có 1 thanh sắt dài gần 4m rơi tự do đâm xuyên từ bụng qua phần đùi của ông. Người đàn ông gầy gò gần lịm đi và chỉ lờ mờ nghe thấy tiếng người anh đã gọi cho lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH.
Qua nắm bắt sự việc từ điện thoại, các anh cảnh sát cứu hỏa đề nghị không được tự ý cắt thanh sắt bởi sẽ nguy hiểm đến tính mạng nạn nhân. Ít phút sau, cảnh sát PCCC&CNCH có mặt tại hiện trường.
Quan sát nhanh hiện trường, đại úy Linh nhận định nếu thanh sắt ngắn y tế có thể xử lý được, nhưng do thanh sắt đâm xuyên qua đùi của nạn nhân dài đến 4m, rất nguy hiểm...
Trước tình hình vô cùng căng thẳng, phải tận dụng từng giây phút vàng. Sau khi bàn nhanh với nhân viên y tế 115, lực lượng cảnh sát PCCC sử dụng thiết bị cắt thủy lực hiện đại.
"Trước khi xử lý, chúng tôi phải cắt thử thanh sắt tương tự bên cạnh. Thử nghiệm thấy ổn, anh em bắt tay vào làm nhanh, gọn… để kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu" - đại úy Linh chia sẻ.
Còn ông Thạnh nhớ lại: "Tôi nghe tiếng bấm cắt thanh sắt 12mm mà nhẹ nhàng lắm".
Không chỉ vậy, khi biết hoàn cảnh ông Thạnh rất khó khăn, những ngày ông nằm viện lại càng vất vả hơn, đại úy Linh đã vận động đồng đội cùng ủng hộ giúp ông bớt đi phần nào vất vả.
Lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ trong một vụ cháy ở trung tâm TP - Ảnh: Đ.C.
Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ mà đại úy Linh và đồng đội có mặt kịp thời, ứng cứu người gặp nạn như các vụ tai nạn ở đèo Hải Vân, đường tránh Nam Hải Vân…
Hôm mùng 3 tết, chúng tôi gặp anh cùng các đồng đội quần quật suốt cả buổi sáng để chữa cháy 3 tàu cá của ngư dân Bình Định neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng).
Cũng chiều đó, những người lính cứu hỏa Đà Nẵng nhận được tin báo có 1 phụ nữ và 2 trẻ em bị mắc kẹt trong thang máy ở chung cư phía nam cầu Cẩm Lệ, các anh lại lên đường và ứng cứu được cả 3 người.
"Khi đang di chuyển trên xe đến hiện trường, chúng tôi đã phải bàn bạc, xác định phương án, phân công nhiệm vụ cụ thể cho anh em triển khai. Đến hiện trường là ráp vào làm ngay mới kịp thời được", anh Linh chia sẻ.
"Không chỉ là trách nhiệm của người lính cứu hỏa mà chúng tôi luôn tâm niệm là đặt vị trí của người bị nạn như là người thân của mình", anh tâm sự.
Đại úy Linh trong một buổi tập luyện cùng đồng đội - Ảnh: Đ.C.
Bỏ ngang họp để đi giúp người
Không chỉ là người lính cứu hỏa xung kích trên tuyến đầu, đại úy Linh còn được nhiều người Đà Nẵng biết đến là một người luôn sẵn sàng hiến máu cứu người, bất kể ngày đêm.
Vào một buổi sáng, vừa cùng đồng đội trải qua một đêm "trực chiến" nhưng khi nhận được tin có 1 cháu bé đang cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản-nhi Đà Nẵng đang rất cần kíp lượng lớn máu và tiểu cầu, đại úy Linh lại cùng đồng đội vội lên đường.
Nhiều người đã xếp hàng chờ đến lượt xét nghiệm nhưng không đủ điều kiện để tiếp máu cho cháu bé. Thật may mắn, nhóm máu B+ của anh đủ đạt để hiến cho cháu bé.
Một lần khác, đang dự cuộc họp triển khai phương án diễn tập PCCC&CNCH cấp quốc gia, nhận được điện thoại của anh S. (ba cháu bé này), đại úy Linh đã huy động đoàn viên của đơn vị sang xét nghiệm trước nhưng 5 người chỉ có 1 người đủ điều kiện, còn thiếu 1 người.
Vậy là anh xin phép lãnh đạo bỏ dở cuộc họp đến bệnh viện để kịp hiến tiểu cầu cho cháu. Sau khi hiến tiểu cầu xong, anh vẫn kịp quay về dự nghe kết luận cuộc họp rất quan trọng.
Đại úy Linh đã nhiều lần hiến máu giúp các cháu bé đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng qua cơn ngặt nghèo - Ảnh: Đ.C.
Tại các phong trào hiến máu tình nguyện do Công an TP Đà Nẵng tổ chức, đại úy Linh luôn là người có mặt từ sớm và tham gia nhiệt tình.
Thiếu tá Hồ Đình Trí - phó bí thư Đoàn Công an TP Đà Nẵng - cho biết từ những năm trước, khi anh là bí thư Đoàn Sở Cảnh sát PCCC Đà Nẵng, 2 đơn vị Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với nhau, hoạt động năng nổ, sáng tạo và hiệu quả nhiều chương trình.
Đại úy Linh trực tiếp tham gia và chỉ đạo tổ chức đã ra quân 10 đợt tình nguyện tại địa bàn khó khăn của huyện Hòa Vang, dọn được hơn 5.000m đường giao thông, làm 10 con đường bêtông… Anh thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện, hiến máu đột xuất cứu giúp nhiều bệnh nhân trong cơn hiểm nghèo và vận động đoàn viên hiến hơn 1.000 đơn vị máu...
Năm 2018, khi sáp nhập đơn vị, đại úy Linh là bí thư Đoàn cơ sở Phòng cảnh sát PCCC&CNCH (Công an Đà Nẵng)…, đơn vị đã có nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thức như hỗ trợ các em thiếu nhi tập làm chiến sĩ cảnh sát PCCC; nông thôn mới, hỗ trợ bà con ở miền núi, hiến máu nhân đạo luôn vượt chỉ tiêu…
"Không chỉ là bí thư Đoàn, đại úy Linh còn là đội trưởng đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã cùng đồng đội cứu rất nhiều người trong các vụ hỏa hoạn, tai nạn. Anh cùng đơn vị xứng đáng là thủ lĩnh và chủ công trong công tác Đoàn cũng như chuyên môn nghiệp vụ" - thiếu tá Trí cho hay.