Lên mạng học làm pháo, học sinh có thể bị xử lý hình sự nếu làm cháy, nổ nghiêm trọng

3 năm trước 959
Lên mạng học làm pháo, học sinh có thể bị xử lý hình sự nếu làm cháy, nổ nghiêm trọng - Ảnh 1.

Nếu để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng trở lên, học sinh có thể bị xử lý từ hành chính đến xử lý hình sự - Ảnh: THU HUỆ

Đại diện Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) nhận định nguy cơ xảy ra cháy, nổ do sử dụng, tàng trữ, sản xuất pháo nổ trong dịp tết rất cao.

Ngày 25-1, Công an huyện Quảng Xương, Thanh Hóa phát hiện, ngăn chặn kịp thời 17 học sinh chế tạo pháo nổ bằng giấy màu, bột diêm. Các em học sinh khai nhận học cách chế tạo pháo nổ trên mạng xã hội.

Tại Nghệ An ngày 28-1 xảy ra hai vụ học sinh thương vong. Vụ đầu tiên tại huyện Nam Đàn làm 3 học sinh bị thương, trong đó có 1 nạn nhân phải cắt bỏ một phần bàn tay do bị giập nát. Vụ thứ hai xảy ra tại huyện Tân Kỳ, hai học sinh thương vong, trong đó có một em (16 tuổi) do vết thương quá nặng đã không qua khỏi nghi dùng thuốc nổ làm pháo.

Cục Phòng cháy chữa cháy lưu ý nếu để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng trở lên, tùy thuộc vào độ tuổi của các em học sinh, có thể bị xử lý từ hành chính đến xử lý hình sự.

Khi để xảy ra cháy, nổ do pháo không chỉ gây hậu quả tại thời điểm đó, nó còn gây hậu quả về sau, nhiều trường hợp đã không giữ lại được tay, chân do pháo nổ gây ra, thậm chí có những trường hợp bị thiệt mạng.

Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khuyến cáo chính quyền địa phương tuyên truyền để các em học sinh không tàng trữ, sản xuất, mua bán chế tạo pháo nổ. Nhà trường và các bậc phụ huynh theo dõi quản lý trẻ em trong dịp tết, đặc biệt đối với học sinh có dấu hiệu sử dụng, sản xuất, chế tạo pháo nổ.

Trao đổi với Tuổi trẻ Online, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - nhận định nhiều vụ pháo nổ tự chế do các em làm theo hướng dẫn trên mạng hiện nay rất đáng tiếc, nguy hiểm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng trẻ em.

Ông Nam cho rằng chủ trương có nới lỏng việc sử dụng pháo hoa không gây tiếng nổ dẫn đến người dân hiểu lầm. Do vậy, trách nhiệm của cơ quan chức năng rất quan trọng trong việc kiểm soát vận chuyển pháo nổ, lượng thuốc nổ tuồn ra thị trường để trẻ em làm pháo tự chế rất nguy hiểm.

Theo ông Nam, các gia đình phải kiểm soát con em mình nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương chuyển sang học online, không tiếp tục đến trường dẫn đến các nguy cơ nhiều bạn tìm hiểu việc làm pháo tự chế khi không có sự quản lý sát sao của phụ huynh.

"Địa phương nắm bắt các hộ dân làm sao để ngăn chặn kịp thời các hành vị trẻ em làm pháo tự chế là ưu tiên hàng đầu", ông Nam nhấn mạnh.

Điều 5 nghị định 137 quy định những hành vi bị nghiêm cấm:

1. Nghiêm cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ;

2. Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo hoa, thuốc pháo;

3. Cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam;

4. Cấm lạm dụng, lợi dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

5. Cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép;

6. Nghiêm cấm chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo;

7. Cấm giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện;

8. Cấm hướng dẫn, huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất thuốc pháo;

9. Cấm cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo.

Thiếu niên bị nát bàn tay vì làm pháo tại nhàThiếu niên bị nát bàn tay vì làm pháo tại nhà

TTO - Nghe thấy tiếng nổ lớn, hàng xóm chạy sang thì phát hiện thiếu niên 15 tuổi bị thương nặng ở bàn tay. Đây là vụ tai nạn do nổ pháo thứ 3 gây thương tích cho các em học sinh Nghệ An trong 4 ngày qua.

Nguồn bài viết