Lãnh đạo VCCI Cần Thơ: 'Cần bỏ ngay các quy định không còn phù hợp'

3 năm trước 230
 Cần bỏ ngay các quy định không còn phù hợp - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thương Linh - Ảnh: KIM CƯƠNG

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Thương Linh (ảnh) - phó giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) - cho rằng giai đoạn khó khăn này cũng là lúc cần rà soát bãi bỏ các quy định không còn phù hợp như việc quy định các khung giờ hoạt động, thời gian đi lại, quy định giao thông, vận tải… thuận lợi cho doanh nghiệp thì mới có thể phục hồi hiệu quả.

* Thưa bà, VCCI Cần Thơ vừa tiến hành khảo sát các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình chung về "sức khỏe" của các doanh nghiệp trong vùng hiện nay ra sao?

- Hiện doanh nghiệp ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn, nói khác đi là đang "kiệt sức": Thứ nhất, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đang đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do không đủ điều kiện để thực hiện yêu cầu làm việc "3 tại chỗ" khiến nhiều lao động bị mất việc làm, hoặc tạm ngưng hợp đồng. Còn đối với những doanh nghiệp đang hoạt động thì đang gồng gánh chi phí gia tăng đáng kể để duy trì sản xuất, phần lớn là hoạt động để "trả" các hợp đồng đang dở dang cho khách hàng.

Thứ hai, doanh nghiệp hết sức khó duy trì sản xuất và quay lại hoạt động bởi rất nhiều lý do như không có đủ nguyên liệu đầu vào để sản xuất, không lưu thông hàng hóa từ nơi trồng, thu mua, nhà cung cấp… đến nhà máy/doanh nghiệp được do ách tắc, chậm trễ vì thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán giữ tỉnh - xã phường, giữa địa phương này với địa phương khác...

Thứ ba, áp lực tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người lao động đủ 2 mũi để người lao động đủ điều kiện đi làm tại doanh nghiệp đang đè lên vai tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến mùa vụ đang sản xuất, nợ hợp đồng, hay các doanh nghiệp vận tải, logistics…

* Một số tỉnh cho rằng không thể đánh đổi sức khỏe của dân với phát triển kinh tế, dẫn đến việc quá thận trọng trong việc nới lỏng giãn cách, thậm chí đặt ra nhiều yêu cầu quá khắt khe khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được, thưa bà?

- Việc chính quyền các tỉnh xem sức khỏe, tính mạng người dân là quan trọng hàng đầu, điều này là đúng theo chủ trương và là vấn đề đạo đức. Còn quyết định mở cửa, phát triển kinh tế thì dựa vào đặc thù của mỗi địa phương, điều kiện địa lý, số ca nhiễm COVID-19 và khả năng lây nhiễm là khác nhau. 

Tùy vào đặc thù tình hình dịch bệnh để đưa ra các quyết định phòng chống dịch như giãn cách xã hội, tiêm ngừa… khác nhau tùy thuộc vào chính quyền mỗi địa phương.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh lần này cho thấy tính phức tạp và kéo dài, nên việc quá thận trọng bằng các giải pháp giãn cách quá lâu, hay các phương thức bảo đảm an toàn cứng nhắc sẽ tạo ra nhiều tổn thất về kinh tế, sức chịu đựng của doanh nghiệp, tâm lý người lao động, cộng đồng là điều cần cân nhắc và tính toán.

 Cần bỏ ngay các quy định không còn phù hợp - Ảnh 2.

Tập đoàn Nam Việt (tỉnh An Giang) tổ chức mô hình "3 tại chỗ" cho công nhân gần 2 tháng qua để duy trì sản xuất cá tra - Ảnh: BỬU ĐẤU

Doanh nghiệp cho rằng họ cần sự linh hoạt, đồng bộ cũng như một chiến lược lâu dài kết hợp giữa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh cùng với các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, cũng như sự liên kết của các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM trong các chính sách "kép" vừa phát triển kinh tế vừa chống dịch là điều phải thực hiện.

* Theo khảo sát của VCCI, tỉ lệ công nhân và người lao động được tiêm vắc xin tại các doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL hiện nay rất thấp, điều này ảnh hưởng thế nào tới việc mở cửa sắp tới của các địa phương trong vùng, thưa bà? 

- Hiện tại số lượng tiêm vắc xin nói chung cho các tỉnh ĐBSCL còn rất ít. Cả 13 tỉnh, thành ĐBSCL chỉ có Long An là được phân bổ 1,57 triệu liều với tỉ lệ ít nhất tiêm 1 mũi trên 100%, tỉ lệ bao phủ trên dân số (trên 18 tuổi) là 68,8%. Tiền Giang với 544.000 liều, tiêm từ 1 mũi đạt 27,8%, bao phủ 20,6% dân số. 

Kế đến là Cần Thơ với 297.000 liều, và tỉ lệ tiêm từ 1 mũi đạt 32%, bao phủ 17,3%. Các địa phương còn lại bao phủ dưới 15%. Với tỉ lệ như vậy thì là khó khăn cho ĐBSCL nếu như dịch bệnh tái bùng phát và những quy định mở cửa của Bộ Y tế.

Để giải quyết vấn đề vắc xin là một bài toán khó đối với các địa phương vì việc phân bổ vắc xin là từ trung ương. Tuy nhiên, các địa phương cần mạnh dạn trong việc đề xuất và đưa ra các cơ sở thuyết phục để địa phương sớm được phân bổ vắc xin và khi có vắc xin thì cần có chiến lược để ưu tiên nhóm doanh nghiệp, ngành hàng, căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. 

Khuyến nghị của chúng tôi là cho phép người lao động đã tiêm từ 1 mũi sau 14 ngày để tạo thêm nguồn lao động cho doanh nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở 2 mũi.

* VCCI vừa có kiến nghị về giải pháp "3 xanh", bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này? 

- "3 xanh" là "lao động xanh - cung đường xanh - nhà máy xanh". Cụ thể "lao động xanh" là người lao động phải thỏa các điều kiện phải được tiêm 2 mũi vắc xin hoặc 1 mũi  từ 14 ngày trở lên; hoặc phải cư trú ở vùng xanh trên 30 ngày liên tục.

"Cung đường xanh" là chỉ đi từ 1 điểm (từ nơi cư trú) và đến 1 điểm (nhà máy, phân xưởng). Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn về phòng chống dịch. Giấy đi đường sẽ do doanh nghiệp đề xuất và cơ quan có thẩm quyền xác nhận, có thời gian đi - về cụ thể.

"Nhà máy xanh" là nhà máy/công ty phải thỏa điều kiện chưa từng nhiễm COVID-19 hoặc nếu có nhiễm phải có thời gian khử khuẩn. Việc áp dụng" 3 xanh" này được chúng tôi đề xuất thực hiện theo từng giai đoạn và từng lĩnh vực ngành nghề, cũng như địa phương có thể dựa vào điều kiện thực tế để linh hoạt áp dụng hiệu quả.

* VCCI Cần Thơ có đề xuất gì để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, thưa bà?

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước ngoài chính sách hỗ trợ về lãi vay, giảm và giãn nợ cụ thể cho doanh nghiệp trong giai đoạn, cần tiếp thêm gói vay ưu đãi cho tái sản xuất sau giãn cách cho doanh nghiệp. 

Thứ hai, chính sách miễn giảm thuế, bảo hiểm xã hội cũng cần được thực hiện bởi doanh nghiệp không có nguồn thu và khó khăn trong chi trả chi phí duy trì sản xuất.

 Cần bỏ ngay các quy định không còn phù hợp - Ảnh 3.

Theo bà Linh, giai đoạn khó khăn này cũng là lúc cần rà soát bãi bỏ các quy định không còn phù hợp như quy định các khung giờ hoạt động, thời gian đi lại, quy định giao thông, vận tải. Trong ảnh: xe tải ùn ứ tại Bến xe trung tâm TP Cần Thơ do có thời điểm TP này buộc doanh nghiệp phải tập kết, trung chuyển hàng hóa - Ảnh: CHÍ QUỐC

Còn đối với chính quyền địa phương thì ưu tiên quan trọng nhất lúc này là sớm mở cửa lại nền kinh tế, nhanh chóng khởi động lại đồng bộ hoạt động các bộ máy và phát triển chính quyền điện tử để phục vụ cho các hoạt động của doanh nghiệp được hiệu quả.

Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cần giúp doanh nghiệp thông qua chủ động và có giải pháp liên kết vùng giải quyết vấn đề nguyên liệu và lao động, thủ tục hành chính như các hoạt động lưu thông phân phối liên quận, liên tỉnh, thành.

Các tỉnh cũng cần mạnh dạn trao quyền và trách nhiệm cho doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất lâu dài gắn với an toàn. Giai đoạn khó khăn này cũng là lúc cần rà soát bãi bỏ các quy định không còn phù hợp như: quy định các khung giờ hoạt động, thời gian đi lại, quy định giao thông, vận tải… thuận lợi cho doanh nghiệp thì mới có thể phục hồi hiệu quả.

Doanh nghiệp Doanh nghiệp '3 tại chỗ' ở miền Tây: Chi phí rất cao, hiệu quả rất thấp

TTO - Báo cáo của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho thấy mô hình '3 tại chỗ' đã khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, trong đó doanh nghiệp nhỏ đa số phá sản.

Nguồn bài viết