Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (phải) phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Mỹ, Úc và Ấn Độ ngày 12-3 - Ảnh: REUTERS
"Mỹ cam kết làm việc với quý vị, các đối tác và đồng minh chung của chúng ta trong khu vực để đạt được sự ổn định", Tổng thống Biden nhấn mạnh trong cuộc họp trực tuyến. Hãng tin Reuters trích thông cáo của Nhà Trắng cho biết ông Biden khẳng định "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở là điều thiết yếu cho mỗi nước".
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide kế đó kêu gọi cả 4 nước "hành động mạnh mẽ để hướng tới việc hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời đóng góp rõ ràng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực, bao gồm cả việc khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison thì nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác an ninh khu vực. Mặc dù chỉ là cuộc họp trực tuyến, ông Morrison cho rằng đây là một cột mốc quan trọng đối với "Bộ Tứ".
"Khi các chính phủ xích lại gần nhau ở cấp độ cao nhất, một cấp độ hợp tác hoàn toàn mới đã được thiết lập nhằm tạo ra một mỏ neo mới cho hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", thủ tướng Úc ví von.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2007, lãnh đạo "Đối thoại An ninh bốn bên" (hay còn gọi là "Tứ giác kim cương") tụ họp. Các cuộc họp của nhóm này trước đây đều diễn ra ở cấp bộ trưởng hoặc thứ trưởng, một phần vì lo ngại các phản ứng từ phía Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước và giới học giả Trung Quốc từ lâu đã xem "Bộ Tứ" là một tập hợp quân sự nhằm kiềm chế nước này. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, đã có các chỉ dấu cho thấy "Tứ giác kim cương" đang hướng tới tập hợp sức mạnh kinh tế để đối chọi Bắc Kinh bên cạnh sức mạnh quân sự.
Trước cuộc họp, Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết lãnh đạo "Bộ Tứ" sẽ thảo luận về sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng lên của Trung Quốc, những thách thức trong khu vực đối với thương mại tự do và cởi mở.
Các nhà lãnh đạo dự kiến công bố các thỏa thuận tài chính để hỗ trợ sản xuất vắc xin COVID-19 ở Ấn Độ. New Delhi trước đó đã kêu gọi "Bộ Tứ" chống lại chính sách ngoại giao vắc xin của Trung Quốc bằng việc bắt tay sản xuất 1 tỉ liều vắc xin.
Ngoài vắc xin, theo tạp chí Nikkei Asia, lãnh đạo "Bộ Tứ" cũng được kỳ vọng sẽ tìm ra cách giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc sau cuộc họp lần này. Dự kiến cuộc gặp trực tiếp của 4 nhà lãnh đạo sẽ diễn ra vào cuối năm 2021.