Lãnh đạo Pfizer: Tiêm định kỳ năm hợp lý hơn vài tháng lại tiêm nhắc

2 năm trước 575
 Tiêm định kỳ năm hợp lý hơn vài tháng lại tiêm nhắc - Ảnh 1.

Albert Bourla - Giám đốc điều hành của Hãng dược Pfizer - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, vắc xin ngừa COVID-19 do hai hãng dược Pfizer và BioNtech phối hợp sản xuất cho thấy hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong bởi biến thể Omicron.

Tuy nhiên, loại vắc xin này lại ít hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh lây lan.

Do số ca mắc mới tăng cao, một số quốc gia đã mở rộng các chương trình tiêm mũi tăng cường hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh N12 News của Israel, ông Bourla được hỏi liệu bản thân có cho rằng nên tiêm các mũi nhắc lại sau khoảng từ 4 đến 5 tháng hay không.

"Đây không phải là một kịch bản tốt. Tôi hy vọng chúng ta sẽ có một loại vắc xin chỉ cần tiêm mỗi năm một lần. Sẽ dễ thuyết phục mọi người hơn nếu họ chỉ cần tiêm 1 lần/năm. Và cũng dễ để mọi người ghi nhớ hơn", ông Bourla trả lời.

Theo giám đốc Pfizer, từ góc độ sức khỏe cộng đồng, lựa chọn tiêm vắc xin hằng năm sẽ hợp lý hơn.

Pfizer đang tìm cách tạo ra loại vắc xin có hiệu quả với cả Omicron và các biến thể khác. "Đây có thể là giải pháp", ông Bourla nói.

Ông cho biết Pfizer có thể sẵn sàng nộp đơn xin phê duyệt loại vắc xin này và sản xuất đại trà ngay sau tháng 3-2022.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết liều thứ 3 của vắc xin mRNA là chìa khóa để chống lại Omicron, cung cấp 90% khả năng bảo vệ người bệnh khỏi nguy cơ nhập viện.

Trung tâm Y tế Sheba của Israel cũng công bố nghiên cứu sơ bộ cho thấy mũi thứ 4 giúp nâng kháng thể lên cao hơn so với mũi thứ 3, nhưng nhiều khả năng vẫn không đủ để chống lại Omicron.

 Tiêm định kỳ năm hợp lý hơn vài tháng lại tiêm nhắc - Ảnh 2.

Nhân viên y tế chuẩn bị các mũi vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại điểm tiêm ở một tiệm thức ăn nhanh thuộc thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ - Ảnh: REUTERS

Cùng ngày 22-1, Úc báo cáo 64 trường hợp tử vong do COVID-19. Trong đó, tiểu bang New South Wales đã ghi nhận 30 bệnh nhân tử vong, bang Victoria có 20 trường hợp tử vong và Queensland là 10 trường hợp.

Tuy nhiên, New South Wales - tiểu bang đông dân nhất của Úc, tuyên bố biến thể Omicron sẽ không làm trì hoãn việc khai giảng năm học mới.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc kêu gọi tất cả các quận duy trì "toàn bộ chế độ khẩn cấp", trong bối cảnh thành phố tiếp tục ghi nhận ca nhiễm mới khi chỉ chưa đến 2 tuần nữa là đến Thế vận hội Olympic mùa đông 2022.

Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cảnh báo các ca COVID-19 có thể đang gia tăng theo cấp số nhân tại một khu dân cư đông đúc của thành phố.

Bà Lâm kêu gọi người dân tránh tụ tập trước Tết Nguyên đán vào tuần tới.

Tại Đài Loan, chính quyền đã ra lệnh thắt chặt kiểm soát dịch sau khi số ca nhiễm mới tăng đột biến.

Sau nhiều tháng không hoặc ít ghi nhận ca nhiễm, Đài Loan đã chứng kiến số ca COVID-19 tại địa phương tăng lên kể từ đầu tháng này. Gần như tất cả trong số đó là biến thể Omicron.

Hôm 21-1, Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã thông qua "hộ chiếu vắc xin" mới, yêu cầu người từ 16 tuổi trở lên xuất trình bằng chứng tiêm chủng để vào những nơi công cộng.

Đây là một phần trong nỗ lực của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm gây áp lực, buộc những người chưa tiêm chủng đi tiêm phòng COVID-19.

Tình hình dịch bệnh các nước tính đến ngày 22-1:

*Anh ghi nhận 76.807 ca COVID-19 mới và thêm 297 trường hợp tử vong.

*Ba Lan báo cáo số ca nhiễm cao kỷ lục với 40.876 trường hợp.

*Nhật Bản lần đầu tiên có số ca nhiễm theo ngày vượt mức 50.000. Thủ đô Tokyo ghi nhận kỷ lục 11.227 ca nhiễm mới.

 Liều thứ ba vắc xin công nghệ mRNA là chìa khóa chống OmicronCOVID-19 thế giới ngày 22-1: Liều thứ ba vắc xin công nghệ mRNA là chìa khóa chống Omicron

TTO - Ngày 21-1, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết ba nghiên cứu tại Mỹ cho thấy một liều thứ ba của vắc xin COVID-19 công nghệ mRNA là chìa khóa để chống lại biến thể Omicron.

Nguồn bài viết