Lãnh đạo châu Âu chỉ trích các cuộc biểu tình phản đối biện pháp phòng dịch

2 năm trước 245
Lãnh đạo châu Âu chỉ trích các cuộc biểu tình phản đối biện pháp phòng dịch - Ảnh 1.

Ít nhất 130 người đã bị bắt, 4 người bị thương và nhiều cảnh sát bị thương kể từ khi bạo lực bùng phát ngày 19-11 tại Hà Lan - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Ngày 22-11, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo khẳng định bạo lực bùng phát trong cuộc biểu tình phản đối các biện pháp phòng dịch cứng rắn hơn tại thủ đô Brussels là "không thể chấp nhận được".

Theo Hãng tin AFP, khoảng 35.000 người đổ xuống đường phố trung tâm thủ đô Brussels để biểu tình trong ngày 21-11. Ba cảnh sát bị thương khi những người quá khích ném đá và đốt phá trong cuộc biểu tình.

Giống nhiều nước châu Âu khác, Bỉ đang ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh khi thời tiết lạnh của mùa đông ập tới.

Tuần trước, chính phủ của ông de Croo thông báo tái áp đặt các biện pháp chống dịch hà khắc hơn, trong đó có bắt buộc làm việc tại nhà với một số người và bắt buộc đeo khẩu trang.

Theo AFP, một số người biểu tình tại Bỉ chống vắc xin COVID-19, một số khác phản đối các biện pháp phòng dịch bắt buộc mà họ coi là xâm phạm quyền tự do cá nhân.

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte gọi những người gây ra ba đêm bạo lực và bất ổn để phản đối các biện pháp phòng dịch tại nước này là "những kẻ ngốc".

"Tôi hiểu rằng xã hội đang căng thẳng vì chúng ta phải đương đầu với virus corona quá lâu. Tuy nhiên, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận những kẻ ngốc sử dụng bạo lực", ông Rutte nói.

Cuối tuần qua, Hà Lan chứng kiến hàng chục cuộc biểu tình bạo lực trên khắp cả nước nhằm phản đối các biện pháp phòng dịch của chính phủ. Theo AFP, ít nhất 130 người bị bắt, 4 người dân và nhiều cảnh sát bị thương kể từ khi bạo lực bùng phát ngày 19-11.

Hà Lan phong tỏa một phần trở lại từ ngày 13-11 nhưng số ca mắc mới hằng ngày vẫn ở mức cao nhất kể từ khi dịch bắt đầu. Hà Lan đang xem xét cấm người chưa tiêm chủng tới quán bar và nhà hàng. Tới nay, Hà Lan đã tiêm chủng cho gần 85% dân số trưởng thành.

Còn Pháp yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc giấy xét nghiệm âm tính để vào nhà hàng và rạp phim. Tuần trước, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng Pháp không cần phải phong tỏa nữa.

Tuy nhiên, bạo lực bùng phát tại vùng Guadeloupe thuộc Pháp khi người biểu tình phản đối các biện pháp phòng dịch như bắt buộc tiêm vắc xin cho nhân viên y tế.

Ngày 22-11, ông Macron khẳng định sẽ không nhượng bộ trước những lời nói dối, xuyên tạc thông tin về COVID-19.

Tại Đức, theo Hãng tin Reuters, Thủ tướng Angela Merkel cũng cho rằng cần siết chặt các biện pháp phòng dịch để kiểm soát sự gia tăng kỷ lục số ca mắc mới theo ngày ở nước này trong những ngày qua.

Ngày 18-11, Đức ghi nhận thêm 65.371 ca bệnh trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất từ đầu dịch. Cho đến nay, chưa tới 70% người dân nước này chủng ngừa đầy đủ.

"Chúng ta đang trong tình huống cực kỳ gay cấn. Những gì hiện có là không đủ", bà Merkel nói.

 WHO cảnh báo châu Âu sẽ thêm nửa triệu người chết đầu năm sauCOVID-19 thế giới ngày 22-11: WHO cảnh báo châu Âu sẽ thêm nửa triệu người chết đầu năm sau

TTO - Số ca mắc COVID-19 ở châu Âu vẫn liên tục tăng trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo khu vực sẽ có thêm nửa triệu người chết vào đầu năm sau. Nhà dịch tễ học Mỹ cảnh báo sắp hết thời gian để ngăn làn sóng mới.

Nguồn bài viết