Bamboo Airways cho rằng một số hãng hàng không giữ một lượng lớn slot tại 2 sân bay đầu mối là Nội Bài và Tân Sơn Nhất nhưng không khai thác - Ảnh: CÔNG TRUNG
Bamboo Airways mới đây đã gửi đơn đến Thủ tướng kiến nghị về việc lãng phí slot và bất cập trong cơ chế điều phối giờ cất, hạ cánh (slot) của cơ quan chức năng.
Cụ thể, hãng này cho biết công tác điều phối slot tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất hiện đang diễn ra một vấn đề bất cập trong việc tối ưu nguồn lực.
Theo Bamboo Airways, mỗi ngày có khoảng 30 slot bị dư thừa tại mỗi sân bay. Trong khi đó, một số hãng hàng không trong và ngoài nước có nhu cầu khai thác nhưng lại không được phân bổ slot.
Tình trạng này đồng nghĩa với việc đang có sự lãng phí tài nguyên quốc gia, lãng phí về nguồn nhân lực, vật lực đã được đầu tư ở các sân bay, mất cơ hội cho hãng trong nước như Bamboo Airways và hãng bay ngoài nước trong việc tăng cường các chuyến bay vận tải hành khách, hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hành khách đi lại Tân Sơn Nhất ngày 23-4 đông đúc - Ảnh: CÔNG TRUNG
"Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế điều phối slot hiện nay chưa phát huy hiệu quả, dẫn tới một số hãng hàng không giữ quỹ slot nhưng không khai thác. Từ ngày khai thác đến nay, Bamboo Airways đã sử dụng tối đa và tối ưu slot được phân bổ nhưng luôn trong tình trạng thiếu slot để khai thác.
Mặc dù Bamboo Airways đã có nhiều kiến nghị, giải pháp đến Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam nhằm điều chỉnh các quy định và chế tài hiện tại với mục đích tối ưu các nguồn lực đang bị lãng phí, nhưng bất cập nêu trên vẫn chưa được giải quyết" - tổng giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng nêu.
Để nâng cao tính công khai, minh bạch trong công tác điều phối, sử dụng slot, Bamboo Airways đề nghị Cục Hàng không Việt Nam, Hội đồng điều phối slot cần xem xét thiết lập, công bố và ban hành chỉ số hiệu quả điều hành sử dụng slot.
Đây là chỉ số đánh giá chất lượng khai thác, sử dụng tài nguyên slot tại các sân bay có mật độ khai thác cao tại Việt Nam như Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Côn Đảo. Đồng thời, tiếp tục duy trì quy định trả lại slot không có nhu cầu khai thác không ít hơn 7 ngày, tạo căn cứ thiết lập quỹ slot cho các hãng có nhu cầu khai thác.
Bên cạnh đó, để tăng trách nhiệm khai thác và sử dụng tài nguyên đã được phân bổ cho các hãng bay, Bamboo Airways đề nghị tăng tỉ lệ đánh giá chất lượng sử dụng slot của hãng/slot được xác nhận trên hệ thống điều phối lên 90%.
Chỉ số này yêu cầu các hãng chủ động lập lịch, ban hành lịch bay, tạo điều kiện cho hành khách được tiếp cận đầy đủ với lịch bay và cơ hội bay của các hãng.
Hiện các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Vietravel Airlines, Pacific chưa bình luận về vấn đề slot và từ chối trả lời các thông tin liên quan.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Vũ Cường - phó giám đốc cảng HKQT Tân Sơn Nhất - cũng cho biết một trong những nguyên nhân trong gây ùn ứ ở sân bay có việc bất cập trong việc cấp và quản lý slot của Cục Hàng không Việt Nam, và việc thực hiện slot được cấp của hãng không tuân thủ.
"Không ai nhìn ra vấn đề để đặt vấn đề với Cục Hàng không về việc cấp slot, hãng bay thực hiện slot ra sao. Chúng tôi khai thác sân bay nhưng không được cấp slot. Vì slot do cục quản lý, để các hãng lên xin. Hãng bay được cấp slot một đằng, thực hiện một nẻo, ông cấp slot cũng chẳng chế tài...", ông Cường nói.
Trước phản ánh của Bamboo Airways, ngày 22-4, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, phản hồi với hãng. Đồng thời, bộ này cũng yêu cầu cục khẩn trương hoàn thiện dự thảo báo cáo Thủ tướng về việc công tác điều phối slot trong thời gian qua.
Trong đó nêu rõ việc điều phối slot trong nước, slot nước ngoài, các giải pháp tạm cấp cho hãng hàng không Việt Nam, khai thác slot nước ngoài và việc thu hồi khi các chuyến bay quốc tế khôi phục... Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam báo cáo trước ngày 26-4.