Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng chóng mặt

2 năm trước 146
Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng chóng mặt - Ảnh 1.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ bật tăng mạnh - Ảnh chụp màn hình

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến ngày 27-7 cho thấy lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm - kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trên thị trường - đã tăng lên 5,13%/năm từ mức 5,01%/năm và 3,67%/năm trong hai phiên gần nhất. Nếu so với mức 0,3 - 0,4% duy trì vào giữa tháng 6, lãi suất VND qua đêm hiện đã gấp hơn 10 lần.

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần cũng tăng lên mức 5,15%, trong khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng lên lần lượt 4,99%/năm và 5,03%/năm. Ở kỳ hạn 6 và 9 tháng lãi suất liên ngân hàng cũng tăng vọt lên mức 5,26%/năm và 5,28%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng trong những tuần gần đây sau khi Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh hoạt động hút ròng qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ.

Theo SSI Research, việc thực hiện các hợp đồng USD giao ngay và kỳ hạn đã làm giảm đáng kể thanh khoản tiền đồng trên hệ thống ngân hàng, kết hợp với việc Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phát hành tín phiếu trước đó dẫn đến một lượng lớn VND đã bị hút ra khỏi hệ thống.

Trong khi đó sau một thời gian dài duy trì ở mức thấp, Vietcombank vừa tăng lãi suất huy động với khách hàng cá nhân với mức tăng 0,1 - 0,2%/năm so với biểu lãi suất cũ.

Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,6%/năm. Đối với kỳ hạn 24 tháng - 60 tháng, lãi suất tăng từ 5,3%/năm lên 5,4%/năm.

Ở một số kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động cũng tăng nhẹ. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng từ 3,3%/năm lên 3,4%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 3% lên 3,1%/năm. Trong khi đó lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng giữ nguyên.

Đối với hình thức gửi trực tuyến, lãi suất tăng mạnh hơn. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng tăng 0,2%/năm, lên lần lượt là 5,8%/năm và 5,6%/năm. Ở kỳ hạn 3, 6 và 9 tháng lãi suất tăng 0,1%. 

Trước Vietcombank, hai "ông lớn" khác là BIDV và Agribank đã tăng lãi suất huy động khi các ngân hàng thương mại cổ phần khác đồng loạt tăng lãi suất. 

Nhưng mặc dù đã tăng thì mức lãi suất huy động tại các ngân hàng lớn vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động tại các ngân hàng nhỏ.

Hiện "quán quân" về lãi suất là SCB với lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng là 7,3%/năm và trên 12 tháng là 7,55%/năm.

Kế đến là Ngân hàng Nam Á. Với hình thức gửi online, Ngân hàng Nam Á hiện áp dụng lãi suất cao nhất là 7,4%/năm cho các kỳ hạn từ 16 đến 36 tháng, với kỳ hạn từ 12 đến 15 tháng, lãi suất ở mức 7,2%/năm. 

Ở các kỳ hạn khác lãi suất Ngân hàng Nam Á hiện áp dụng cũng rất cao, như kỳ hạn 10 - 11 tháng lãi suất là 6,8%/năm. Nếu chỉ cần gửi 6 hoặc 9 tháng lãi suất cũng ở mức lần lượt là 6,5%/năm và 6,6%/năm. 

Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng chóng mặt - Ảnh 2.

Làn sóng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng chưa dừng lại - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Các ngân hàng cho hay việc tăng lãi suất huy động lúc này do nhiều nguyên nhân như: sức ép từ lạm phát và cũng là để giữ vốn vì các ngân hàng khác đều tăng lãi suất.

Kết quả của cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng mà Vụ Dự báo, thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước công bố gần đây cho thấy nhiều tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu tiếp cận nguồn vốn vay của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm tăng so với cùng kỳ năm 2021 ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên vừa qua Ngân hàng Nhà nước cho biết không nới room trong những tháng cuối năm. 

Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng với việc giữ nguyên hạn mức tín dụng, đồng nghĩa với việc chỉ có gần 500.000 tỉ đồng sẽ được giải ngân trong nửa cuối năm. "Quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhìn chung vẫn tương đối thận trọng, trước áp lực lạm phát cũng như áp lực mất giá của VND", SSI nhận định.

Doanh nghiệp bất động sản đói vốnDoanh nghiệp bất động sản đói vốn

TTO - Nhiều ngân hàng tuyên bố siết tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp gần như đóng băng... khiến nhiều dự án bất động sản đối diện với nguy cơ đình trệ.

Nguồn bài viết