Bên trong khu vực sản xuất sữa thanh trùng - Ảnh: M.V
Chiều 27-10, Nhà máy sữa VPMilk Eco Farm được đưa vào hoạt động tại xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Nhà máy được xây dựng trên diện tích 3,5ha, gồm nhà xưởng, trang trại…
Ở giai đoạn 1, nhà máy sẽ sản xuất 20 triệu lít sữa/năm. Toàn bộ sữa nguyên liệu được sử dụng tại nhà máy đều là sữa bò được nông dân nuôi tại vùng bò sữa lớn nhất Lâm Đồng, gồm Đơn Dương và một phần huyện Đức Trọng (cách Đà Lạt khoảng 15km, thuộc Vùng nông nghiệp Đà Lạt).
Ông Yoon, giám đốc Nhà máy VPMilk Eco Farm, cho biết đặt nhà máy tại Đơn Dương, ngay trong vùng chăn nuôi bò sữa nhằm rút ngắn tối đa thời gian trung chuyển sữa nguyên liệu từ trang trại của nông dân đến nhà máy để đạt được chất lượng tốt nhất.
Ông Yoon cam kết nhà máy ưu tiên thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất sữa với nông dân trong vùng. Việc liên kết, hợp tác với nông dân là vấn đề quan trọng với nhà máy, điều này không chỉ giúp nông dân tiêu thụ ổn định lượng sữa bò sản xuất được mà còn giúp nhà máy có nguyên liệu tốt.
Ông Park Hang Seo (HLV đội tuyển bóng đá Việt Nam) giao lưu với nông dân chăn nuôi bò khi tham gia khánh thành nhà máy - Ảnh: T.T
Ông Dương Đức Đại, chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, nhìn nhận tại địa phương đã có bốn nhà máy sữa tươi với hơn 100 trạm thu mua, sơ chế, tuy nhiên vẫn không đáp ứng hết sản lượng sữa bò của nông dân trong vùng. Thêm một nhà máy sẽ giúp nông dân ổn định hoạt động chăn nuôi bò sữa.
Theo ông Đại, Lâm Đồng đang là vùng nuôi bò sữa lớn hàng đầu của cả nước. Trong đó, Đơn Dương và Đức Trọng có thể xem là khu vực chăn nuôi bò sữa lớn nhất Việt Nam với hơn 1.000 nông hộ chăn nuôi bò sữa, tổng đàn bò khoảng 10.000 con (tăng 51% so với năm 2017), đạt 200 tấn sữa/ngày.