Các nhà hoạt động môi trường biểu tình phản đối chính sách môi trường của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - Ảnh: CNN
Theo dữ liệu vệ tinh INPE từ ngày 1-1 đến 24-6-2022, 3.750km2 rừng Amazon đã bị phá hủy, con số kỷ lục kể từ năm 2016.
Nạn phá rừng và các vụ cháy kỷ lục tại Amazon vào tháng 5 và 6 (thời điểm mùa khô diễn ra tại Brazil) năm nay đã khiến khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới bị tàn phá nặng nề, theo Đài CNN.
INPE ghi nhận: "Amazon đã xảy ra 2.562 vụ cháy, nhiều nhất từ trước tới nay". Chỉ riêng tháng 5, lá phổi xanh của Trái đất đã phải trải qua 2.287 vụ cháy, cao nhất kể từ năm 2004.
Theo Đài CNN, kể từ khi ông Jair Bolsonaro nhậm chức tổng thống Brazil từ năm 2019, chính sách phát triển kinh tế của ông đã khiến việc bảo vệ rừng bị suy yếu đáng kể.
Trên thực tế, các gói tài trợ đối với chương trình giám sát và bảo vệ môi trường đã bị cắt giảm, đồng thời các vùng đất bản địa tại Amazon cũng bị khai thác và mở rộng cho mục đích thương mại.
Vào tháng 10-2021, một nhóm luật sư về khí hậu đã thúc giục Tòa án hình sự quốc tế (ICC) điều tra ông Bolsonaro về hành động tàn phá rừng Amazon. Tuy vậy, tổng thống Brazil đã nhanh chóng đẩy lùi các cáo buộc chống lại ông thông qua các luật bảo vệ môi trường. Dù vậy, những điều luật này không cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa nguy cơ chặt phá và cháy rừng.
Một số nhà khoa học dự đoán nạn phá rừng có khả năng gia tăng trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới ở Brazil.
Ông Carlos Souza Jr, nhà nghiên cứu tại tổ chức phi lợi nhuận Imazon của Brazil, cho biết mùa bầu cử sẽ khiến việc thực thi và bảo vệ môi trường tại Amazon suy yếu, vốn là thời cơ thuận lợi cho bọn tội phạm thực hiện hành vi khai thác rừng trái phép.