Làn sóng "chốt lời" diễn ra vào tuần cuối cùng của quý I !?
Phân tích dữ liệu và thông tin hot:
Tuần vừa qua khép lại với rất nhiều những biến động mạnh mẽ không ngoài dự đoán của giới chuyên gia đã xuất hiện trên thị trường tài chính nói chung và giá vàng nói riêng. Được thúc đẩy bởi hàng loạt các Ngân hàng trung ương (NHTW) lớn trên thế giới công bố chính sách tiền tệ mới nhất với nhiều sự thay đổi đáng chú ý.
Đặt biệt nhất có NHTW Nhật Bản (BoJ) đã duy trì lãi suất âm trong 17 năm để kích thích một nền kinh tế trì trệ nhiều năm vì chịu ảnh hưởng bởi giảm phát do nhu cầu trong nước suy giảm. Tuy nhiên, bước ngoặt đã đến trong tuần trước, khi họ chấm dứt chính sách âm lãi suất do lạm phát nóng lên gần đây dù mức lãi suất vẫn thấp hơn rất nhiều so với các Ngân hàng phương tây.
Cũng đáng chú ý không kém đó là NHTW Thụy Sĩ (SNB) chính thức trở thành NHTW lớn đầu tiên cắt giảm lãi suất, với 25 điểm cơ bản xuống còn 1,5%, trong khi các chuyên gia kinh tế dự báo giữ nguyên lãi suất. Sự kiện này có thể thúc đẩy các quốc gia khác “noi gương” theo.
Dù ba NHTW lớn nhất là Anh (BoE), Châu Âu (ECB) và Hoa Kỳ (Fed) vẫn giữ nguyên mức lãi suất cũ nhưng các động thái đã được đánh giá “ôn hòa” hơn nhiều so với trước đây. Hiện thị trường dự báo xác suất 76% Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 6, tăng từ mức 65% trước cuộc họp vừa qua.
Sau khi sập mạnh sau cuộc họp mang tính “ôn hòa” của FOMC, đồng USD bất ngờ tăng vọt trở lại còn cao hơn mức trước khi giảm khiến cho giá vàng giảm sâu trở lại vào các phiên cuối tuần dù vẫn duy trì sắc xanh trong tuần.
Phân tích biểu đồ giá vàng (GOLD) khung thời gian H4
Động thái “quay xe” cực gắt của đồng USD đang gây áp lực lớn lên giá vàng - đó là những gì giới chuyên gia giải thích cho việc giá vàng bất ngờ suy yếu vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, kịch bản các nhà đầu cơ giá lên chốt lời ở các mức giá đỉnh đi kèm với thời điểm cuối quý đã nằm trong tính toán từ trước đó trong các bài nhận định tuần trước. Dấu hiệu khá rõ ràng đang xuất hiện ở biểu đồ H4 với các thanh khối lượng giao dịch đáng chú ý.
Đầu tiên là thanh nến H4 lập đỉnh ở mốc “tứ quý” 2.222 USD với khối lượng thấp hơn hẳn trước đó, cho thấy phe mua đột ngột “biến mất” dù Fed phát đi thông điệp tích cực cho giá vàng trong năm nay. Thứ hai, thanh nến giảm mạnh nhất hơn 5 tuần qua kèm khối lượng gia tăng mạnh mẽ đang cho thấy phe bán bắt đầu “tham chiến”. Áp lực kép này là một dấu hiệu cho thấy sự điều chỉnh lớn đang diễn ra trong ngắn và trung hạn.
Cột mốc quan trọng nhất tuần này của người mua sẽ là mức hỗ trợ 2.145 - 2.150 USD, nếu giá “gãy” ngưỡng này coi như đánh mất cấu trúc tăng ngắn và trung hạn (D1 trở lại). Ngược lại, xu thế tăng sẽ sớm trở lại để giá vàng lại một lần nữa lập đỉnh lịch sử ở các mốc 2.250 và 2.300 USD dù khả năng này được chúng tôi đánh giá thấp hơn do áp lực chốt lời đã khá rõ ràng nhất là khi thời điểm tất toán quý 1 sắp đến.