Làm việc tại nhà phải tốn thêm đủ thứ từ tiền túi cá nhân - Ảnh: lavoixdunord.fr
Vào lúc dịch hoành hành, làm việc tại nhà vẫn được xem là biện pháp làm việc an toàn nhằm hạn chế virus SARS-CoV-2 lây lan.
Để tránh áp dụng biện pháp phong tỏa lần thứ ba, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã yêu cầu các doanh nghiệp cho nhân viên làm việc từ xa. Thế nhưng chi phí phải tốn thêm khi làm việc tại nhà nhà đang gây áp lực với người lao động.
Nguyên nhân tốn kém thêm do phải xài nhiều điện hơn, phải sưởi ấm khi trời lạnh, phải dùng nước cho nhà vệ sinh chẳng hạn, chưa kể phải dùng các máy móc, thiết bị cần thiết.
Theo khảo sát của Văn phòng tư vấn nguồn nhân lực ConvictionsRH ỏ Paris (Pháp), người làm việc tại nhà phải tốn tiền điện, tiền sưởi, tiền nước với mức thấp nhất 13 euro (khoảng 360 ngàn đồng)/tháng (diện tích nhà 50m2 có sưởi, không tính tiền ăn) cho đến mức cao nhất 174 euro (gần 5 triệu đồng)/tháng (diện tích nhà 200m2 có sưởi cộng tiền ăn và tiền cà phê).
Đây là lần đầu tiên chi phí được tính toán cẩn thận đối với việc làm từ xa.
Người lao động làm việc ở nhà phải tốn thêm tiền ăn - Ảnh: GETTY IMAGES
Khoản tiền tốn nhiều nhất là tiền sưởi ấm. Nếu tính 8 tiếng sử dụng máy sưởi trong ngày với thời gian sử dụng 20 ngày/tháng, tiền điện có thể phải trả đến 48 euro cho người sử dụng diện tích nhà 150m².
Khoản tiền phải tốn thêm thứ hai là tiền cà phê. Khi làm việc ở nhà, bạn không thể dùng máy pha cà phê tại cơ quan, vì vậy phải tốn thêm 0,43 euro cho mỗi lần nhấm nháp cà phê.
Để làm việc tốt hơn, người làm việc tại nhà còn phải trang bị văn phòng phẩm, giấy, hộp mực hoặc thậm chí là máy in hoặc màn hình thứ hai vốn là những thứ không phải lúc nào người sử dụng lao động cũng chịu chi.
Khảo sát của ConvictionsRH không bao gồm nhiều khoản chi khác như tiền thuê nhà, tiền WiFi, tiền điện thoại, tiền ăn (nhân viên dùng phiếu ăn tiếp tục được sử dụng trong thời gian làm việc từ xa). Người lao động chỉ có lợi khoản chi phí đi lại.
Về pháp lý, dù người sử dụng lao động ký kết thỏa thuận làm việc từ xa liên ngành quốc gia (ANI) với nghiệp đoàn vào tháng 11-2020 nhưng thỏa thuận này lại không mang tính chất ràng buộc.
Thỏa thuận quy định công ty "chịu trách nhiệm về các chi phí mà nhân viên phải chịu cho nhu cầu hoạt động nghề nghiệp và vì lợi ích của người sử dụng lao động".
Thế nhưng thỏa thuận không nêu cụ thể chi phí nào được chi trả mà yêu cầu thảo luận các khoản chi này trong các cuộc đối thoại nội bộ trong công ty hoặc đưa vào thỏa thuận của ngành.
Ông Jean-François Foucard - tổng thư ký Tổng liên đoàn nhân viên Pháp, Tổng liên đoàn các nhà quản lý (CFE-CGC), trả lời báo Le Parisien: "Làm việc tại nhà có cái giá phải trả. Người ăn lương chắc sẽ không thể làm kiểu đó lâu được".