Được công ty OpenAI có trụ sở tại Mỹ phát triển, ChatGPT, ra mắt tháng 11/2022, là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng kiểm tra một lượng lớn dữ liệu để trả lời nhiều câu hỏi khác nhau thông qua các câu lệnh. ChatGPT không chỉ là một "bộ bách khoa toàn thư" hỏi đáp mà còn là ứng dụng có thể đối đáp trôi chảy với con người, giúp tiết kiệm thời gian và công sức đăng nhập vào website để tìm kiếm thông tin cần thiết. Hơn thế, ChatGPT có năng lực biên soạn các chương trình máy tính và sáng tác, viết luận văn, thậm chí làm thơ hay viết thư tình. Chính khả năng này khiến ChatGPT tiên tiến hơn nhiều so với Google - công cụ đang có hơn 90% người dùng trên toàn cầu hiện nay.
ChatGPT dự báo sẽ mở ra những cơ hội hoàn toàn mới cho chủ doanh nghiệp và người lao động, giúp tăng hiệu quả về chi phí khi hỗ trợ con người thực hiện các nhiệm vụ đơn giản, cải thiện độ chính xác khi nhập dữ liệu, phân tích dữ liệu giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định sáng suốt và tăng trải nghiệm của khách hàng bằng cách cung cấp hỗ trợ 24/7; giảm thời gian chờ phản hồi và tăng cải thiện trải nghiệm tổng thể của khách hàng.
Trong giáo dục, ChatGPT hỗ trợ học tập và giảng dạy, nâng cao khả năng tìm kiếm và nghiên cứu, tăng cường tính tương tác và trải nghiệm học tập, cải thiện khả năng đánh giá và phân tích. Trong lĩnh vực y tế, công nghệ này có thể giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh hơn khi giúp nhóm các dữ liệu với nhau để phân tích triệu chứng của bệnh nhân. Trong nông nghiệp, ChatGPT có thể hỗ trợ nông dân trong công tác nghiên cứu cũng như viết nội dung quảng bá sản phẩm. Trong lĩnh vực ngân hàng, AI giúp cải thiện hiệu suất và việc cung cấp các khoản vay.
ChatGPT cũng được chào đón như một công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong việc mô hình hóa khí hậu hay truyền thông về khí hậu và được dự báo đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì công nghệ này có thể giúp các công ty đưa ra quyết định về tính bền vững và cắt giảm lượng khí thải carbon dễ dàng hơn.
Có thể nói thế giới sẽ bắt đầu một kỷ nguyên mới của AI hóa tri thức. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt và ChatGPT cũng vậy. Con người đang cảm nhận được sự cạnh tranh của ChatGPT. Ứng dụng AI này được dự báo sẽ thay đổi diện mạo thị trường lao động trong nhiều năm tới. Giới chuyên gia dự báo hàng triệu việc làm có thể mất đi trong lĩnh vực viết nội dung quảng cáo, môi giới, viết phần mềm máy tính hay nhà báo, dịch vụ chăm sóc khách hàng…
Đáng lo ngại hơn, ChatGPT đặt ra nhiều vấn đề như nguy cơ gian lận về học vấn, rò rỉ dữ liệu, cũng như vi phạm quyền riêng tư. OpenAI đã cung cấp cho ChatGPT dữ liệu khổng lồ lên đến 570 GB và hơn 300 tỷ từ vựng được thu thập một cách có hệ thống từ Internet, bao gồm cả thông tin cá nhân mà không có sự đồng ý của người dùng. Đây là hành vi vi phạm quyền riêng tư, đặc biệt khi những dữ liệu nhạy cảm có thể được sử dụng để nhận dạng người dùng, thành viên gia đình hoặc vị trí của họ. Đó là chưa kể đến những dữ liệu thuộc loại tài sản độc quyền hoặc có bản quyền như tiểu thuyết, kịch bản phim, thơ văn, tài liệu nghiên cứu...
Một nghiên cứu được công ty phần mềm và an ninh mạng BlackBerry (có trụ sở tại Canada) công bố đầu năm nay cho thấy 51% trong số 1.500 chuyên gia IT ở nhiều nước dự báo ChatGPT có thể gây ra một vụ tấn công mạng trong vòng 1 năm tới. Công ty an ninh mạng Darktrace của Anh cảnh báo công cụ trò chuyện ChatGPT có thể đã làm gia tăng các vụ lừa đảo trên không gian mạng với những thủ đoạn hết sức tinh vi, cho phép tin tặc tiến hành các vụ tấn công nhắm mục tiêu với xác suất thành công lớn hơn.
Một điểm đáng lưu ý nữa là tính chính xác của thông tin do ChatGPT cung cấp. Do kết quả trả lời phụ thuộc vào nguồn thông tin có sẵn trong hệ thống, độ chính xác thông tin trả lời của ChatGPT hoàn toàn phụ thuộc vào những gì ứng dụng này học được trong quá trình tương tác. Ngay cả Sam Altman - nhà sáng lập ChatGPT cũng khuyên người dùng nên cẩn trọng. Ông cho biết AI có thể tự học nên nếu ChatGPT được nạp dữ liệu đầu vào không đúng, thì kết quả sẽ đưa ra sai. Về điểm này, các chuyên gia cảnh báo ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Kẻ xấu có thể lợi dụng công cụ này cho nhiều âm mưu phi pháp khác nhau, như lừa đảo trực tuyến hoặc viết phần mềm độc hại.
ChatGPT đã nhận được những phản ứng rất khác nhau của các nước. Tại Trung Quốc, các công ty công nghệ bị cấm cung cấp ChatGPT cho người dân, cả trực tiếp hay gián tiếp qua nền tảng của bên thứ ba. Công ty nào muốn ra mắt chatbot hoặc dịch vụ AI có liên quan phải báo cáo và xin phép cơ quan quản lý. Indonesia chọn cách giám sát dịch vụ ChatGPT, theo đó yêu cầu công ty đăng ký giấy phép nhà điều hành hệ thống điện tử (PSE).
Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến AI nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT và đảm bảo người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng công nghệ AI.
Chính phủ Hàn Quốc có lộ trình thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng AI trong đời sống dân sinh thường nhật, bắt đầu phát triển và phân phối phiên bản Hàn của ứng dụng ChatGPT. Seoul thông báo sẽ tập trung xây dựng dữ liệu học tập AI để từ năm 2024, chính thức xúc tiến Dự án quốc gia về ứng dụng AI vào đời sống thường ngày,
Ở cấp độ doanh nghiệp, sự ra đời của ChatGPT cũng đồng thời khởi xướng một cuộc chạy đua chatbox giữa các công ty công nghệ. Google đã thông báo ra mắt công cụ trò chuyện Bard có trang bị AI cạnh tranh với ChatGPT. Microsoft Corp, công ty sở hữu OpenAI, cho biết đã lên kế hoạch kết hợp ChatGPT với công cụ tìm kiếm Bing. Tại Trung Quốc, công cụ tìm kiếm khổng lồ Baidu cho biết sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ dự án "Ernie Bot" với khả năng tương tự ChatGPT trong tháng 3.
Theo kết quả khảo sát của nền tảng tư vấn việc làm Resumebuilder.com đối với 1.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang sử dụng hoặc dự định sử dụng ChatGPT tại Mỹ, khoảng 48% số công ty của họ đã ứng dụng chatbot vào công việc viết mã, tạo nội dung quảng cáo, hỗ trợ khách hàng và chuẩn bị tóm tắt cuộc họp. Khoảng một nửa nhóm này nói rằng ChatGPT đang dần thay thế nhân công tại công ty của họ và đã tiết kiệm được hàng trăm nghìn USD khi sử dụng công cụ này.
Ở cấp độ giáo dục, giới học thuật lo ngại học sinh, sinh viên lạm dụng công nghệ này tại học đường, gian lận, yêu cầu ChatGPT giải bài tập hoặc viết thay bài luận. Một số cơ sở đào tạo lớn trên thế giới, như trường Khoa học chính trị Sciences Po Paris (Pháp) hay trường Đại học Hong Kong (Trung Quốc), đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT, nếu vi phạm sẽ bị đuổi khỏi trường. Mới đây nhất, đại học Oxford và Cambridge của Anh cũng thông báo cấm công nghệ này. Tại Mỹ, một số trường ở Mỹ cũng chặn ChatGPT vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến việc học, trong khi số khác cho rằng chatbot này "hữu ích" và "có nhiều mặt tích cực".
Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì về tầm ảnh hưởng của ChatGPT. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu và ban hành các khuôn khổ pháp lý liên quan, bảo đảm việc ứng dụng AI vào các công việc một cách tường minh và có trách nhiệm rõ ràng. Do tính ứng dụng cao của AI trong đời sống, trách nhiệm bảo đảm nền tảng của AI là công bằng, bảo mật và an toàn không chỉ thuộc về các công ty tạo ra ứng dụng AI mà còn ở các công ty sử dụng những ứng dụng đó.
Giới chuyên gia nhận định ứng dụng ChatGPT hay AI nói chung là đang là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới bởi AI góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Điều quan trong là cần hiểu rõ hơn về ChatGPT để tận dụng cơ hội của ứng dụng và làm chủ nó một cách có trách nhiệm, để AI thực sự hỗ trợ và phục vụ con người, song không bao giờ thay thế được con người.