Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là vấn đề đảm bảo an ninh trên mạng xã hội. Ở Việt Nam, làm chủ không gian mạng được coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc.
Tội phạm an ninh mạng rất phức tạp
Có thể thấy, những lợi ích to lớn mà mạng xã hội đem lại cho con người là không thể phủ nhận. Thông tin trên mạng xã hội có tốc độ lan truyền nhanh, tiếp cận đến từng cá nhân, người dùng, là công cụ tốt để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mạng xã hội cũng cung cấp thông tin quan trọng và kịp thời cho nhân dân khi xảy ra các sự việc phức tạp; là phương tiện hữu hiệu góp phần xây dựng và hoàn thiện mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các dịch vụ mạng đang đặt ra vấn đề về an ninh mạng cho Chính phủ Việt Nam. Các mối đe dọa an ninh trên mạng xã hội xuất phát từ những nội dung có người dùng tự sáng tạo ra, với khả năng cập nhật nhanh và ít bị kiểm duyệt, khiến thông tin có tốc độ lan tỏa nhanh chóng, tạo hiệu ứng hoặc xu thế có tác động lớn đến tâm lý của người dân.
Theo thống kê của tổ chức We Are Social (Anh), tính đến đầu năm 2021, tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam chiếm tới 70% dân số, với thời gian sử dụng trung bình lên tới hơn 6 giờ/ngày. Các mạng xã hội được dùng nhiều nhất tại Việt Nam là Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube…
Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Nguyễn Hoài Anh cho rằng, mạng xã hội là "môi trường và không gian lý tưởng" để các thế lực thù địch và đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa an ninh quốc gia, như: tuyên truyền, truyền bá những thông tin gây hiệu ứng đám đông, phục vụ các mục đích về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao; truyền bá ý thức hệ đối lập, tôn giáo cực đoan, kích động, gây mất ổn định chính trị; dùng điệp báo tấn công mạng nhằm lấy cắp thông tin nhạy cảm, bí mật quốc gia...
Đối với Việt Nam, các thế lực thù địch lợi dụng internet và mạng xã hội để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Thống kê của Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho thấy, trong gần 10 năm qua, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã, đang sử dụng 8.784 web, blog có tên miền nước ngoài; 381 web, blog có tên miền trong nước thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc.
Cơ quan Công an các cấp đã phát hiện 279 vụ sử dụng internet xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với hơn 200 đối tượng, bắt, xử lý 140 đối tượng. Đáng chú ý, trong đó có 219 vụ kích động biểu tình trên không gian mạng; 138 hội, nhóm trá hình hoạt động trên không gian mạng; 45.498 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có tên miền .vn bị tấn công, trong đó có 2.113 lượt tấn công các cổng thông tin, trang tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xảy ra 3.159 vụ tấn công mạng vào các hệ thống thông tin, trong đó có tới 968 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface), 635 cuộc tấn công cài cắm mã độc.
Hạ tầng cơ sở còn hạn chế
Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (nguyên Thứ trưởng Bộ Công an) cho rằng, tội phạm công nghệ đã sử dụng không gian mạng để tấn công nhằm phá hoại, gây đình trệ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Mục tiêu tấn công là các hệ thống thông tin quan trọng như: hệ thống điều khiển giao thông đường bộ, đường hàng không, cung cấp điện, nước, điều khiển nông nghiệp công nghệ cao; các sân bay, nhà ga, bến cảng, kho bạc, ngân hàng...
Những lỗ hổng an ninh cũng đặt ra nhiệm vụ cấp bách trong bảo đảm an ninh thông tin trên mạng xã hội ở Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán khẳng định: An ninh mạng là một bộ phận không thể tách rời của an ninh quốc gia, bao gồm sự bất khả xâm phạm về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo đảm mọi thông tin và hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Việt Nam, đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, trật tự, an toàn xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 01/2021) tiếp tục khẳng định: "Tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống"…
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, hệ thống mạng thông tin Việt Nam phát triển nhanh, nhưng hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu chủ động phòng, chống tội phạm mạng và bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia. Việc áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia chưa được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chú trọng; chưa có quy trình, thao tác xử lý khi xảy ra sự cố, thậm chí, còn buông lỏng, không áp dụng biện pháp bảo đảm an ninh thông tin, an ninh không gian mạng. Mức độ nhận biết các loại hình tấn công mạng, áp dụng các giải pháp bảo đảm an ninh thông tin, ban hành các quy trình thao tác phản ứng xử lý sự cố thông tin chưa cao.
Làm chủ không gian mạng là một trong những nhiệm vụ cấp bách
Cũng như chủ quyền lãnh thổ, các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối, hoàn toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức có chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Việc xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là quyền kiểm soát, chi phối trên cơ sở chủ quyền, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.
Để giải quyết vấn đề an ninh trên không gian mạng, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, cần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin, thiết bị công nghệ thông tin bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia cho các cơ quan trung ương và địa phương; các công trình hạ tầng trọng yếu, các tập đoàn kinh tế quan trọng có kết nối mạng. Đặc biệt, các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia cần được xác định, áp dụng các biện pháp bảo vệ tương xứng, liên tục từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, phát triển, vận hành và sử dụng.
Thượng tá Hoàng Minh Huệ (Cục Khoa học, chiến lược và lịch sử Công an – Bộ Công an) cho rằng, Bộ Công an cần tăng cường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể về vấn đề này. Đồng thời chủ động đào tạo nguồn nhân lực chủ công trên mặt trận đảm bảo an ninh kinh tế số, theo hướng kết hợp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh với kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ số…
Phát biểu chỉ đạo trong Hội thảo gần đây về vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều thách thức mới từ không gian mạng, nổi bật là hành vi tấn công mạng có chủ đích vào cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu; giả mạo các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, lực lượng Công an, tổ chức, doanh nghiệp để đánh cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tạo lập các sàn giao dịch, ứng dụng, website kiếm tiền lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, đầu tư, kinh doanh bảo hiểm, vàng, tiền điện tử... Trong khi đó, hiện nay nước ta chưa tự chủ hoàn toàn về công nghệ, nhiều công ty cung cấp dịch vụ người dùng hoặc vận hành công nghệ cho Việt Nam đều do phía nước ngoài nắm giữ cổ phần chi phối, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất chủ quyền an ninh thông tin.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, Đại tướng Tô Lâm yêu cầu lực lượng Công an thời gian tới tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng; triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng.