'Là ứng viên trẻ, tôi cầu thị và muốn học hỏi nhiều'

3 năm trước 307
Là ứng viên trẻ, tôi cầu thị và muốn học hỏi nhiều - Ảnh 1.

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương trình bày với cử tri chương trình hành động - Ảnh: Q.L.

Cùng đơn vị bầu cử số 7 (quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp) còn có các ứng cử viên: ông Nguyễn Minh Hoàng (chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM), bà Phạm Khánh Phong Lan (trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM), ông Nguyễn Hồng Sơn (phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, hội viên Hội Cựu giáo chức Việt Nam) và bà Nguyễn Thị Yến (ni sư Thích Nữ Tín Liên, ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ủy viên thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM).

Là ứng viên trẻ, tôi cầu thị và muốn học hỏi nhiều - Ảnh 2.

5 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử số 7 (quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp, TP.HCM) tiếp xúc cử tri tại quận Gò Vấp - Ảnh: Q.L.

Sinh năm 1984, chị Thanh Phương là ứng viên nhỏ tuổi nhất trong danh sách ứng cử tại quận Gò Vấp. Lần đầu tiên tiếp xúc cử tri, lại chính tại nơi được sinh ra và lớn lên, chị Thanh Phương cho biết xem đây là trải nghiệm tốt để lắng nghe suy nghĩ, nắm bắt tình hình, nguyện vọng của bà con xung quanh mình, cả các cử tri trẻ.

"Dù có được bầu làm đại biểu Quốc hội hay không, với tôi đây vẫn là cơ hội quý để học hỏi nhiều bài học thú vị. Tôi luôn cầu thị lắng nghe, để nếu trúng cử làm đại biểu sẽ chuyển ý kiến của bà con đến nghị trường" - Bí thư Thành đoàn TP.HCM nói.

Mỗi ứng viên chia sẻ ngắn gọn về chương trình hành động của mình trước cử tri. Tùy từng lĩnh vực công tác, mỗi ứng viên có những ưu tư riêng, song phần lớn các ý kiến đều mong muốn tham gia xây dựng cơ chế, hoàn thiện chính sách pháp luật để cải thiện và nâng cao nền giáo dục nước nhà vì "mọi việc đều có đóng góp lớn từ kết quả của giáo dục".

Ba ứng viên nữ gồm bà Phạm Khánh Phong Lan, ni sư Thích Nữ Tín Liên và chị Phan Thị Thanh Phương đều dành sự quan tâm đến giới nữ và trẻ em, thực hiện bình đẳng giới, để phụ nữ có được cơ hội phát triển đồng đều, và việc chăm sóc trẻ em tốt nhất có thể.

Là ứng viên trẻ, tôi cầu thị và muốn học hỏi nhiều - Ảnh 3.

Cử tri Nguyễn Văn Hà (phường 3, quận Gò Vấp) trao đổi ý kiến cùng các ứng cử viên - Ảnh: Q.L.

Cử tri Đỗ Thị Kim Thoa (phường 3, quận Gò Vấp) hỏi làm sao để nắm bắt kịp thời nguyện vọng, ý kiến của cử tri khi ứng cử viên Nguyễn Hồng Sơn công tác tại Hà Nội.

Ông Hồng Sơn nói chắc chắn sẽ bố trí thời gian đúng theo quy định cần có của một đại biểu, song ông cũng cho rằng thời buổi ứng dụng công nghệ hiện nay, việc nắm bắt ý kiến cử tri sẽ có nhiều cách, qua nhiều kênh, cả tiếp xúc gần và từ xa, nên không quá lo lắng điều này.

Một số cử tri có cùng nhận định cả 5 ứng cử viên đều có tiểu sử, nhân thân, học vấn tốt, có nhiều kinh nghiệm trong công tác, có người đã là đại biểu Quốc hội hai khóa và nay tiếp tục được tín nhiệm giới thiệu ứng cử khóa thứ ba liên tiếp, nên cũng "gây khó" không ít cho cử tri khi chỉ được phép chọn 3 trong 5 ứng viên.

"Dù ai trúng cử, chúng tôi cũng mong mỗi đại biểu phải dành ít nhất 1/3 thời gian tham gia hoạt động Quốc hội, kịp thời lắng nghe và truyền đạt ý kiến cử tri đến nghị trường. Mong mỗi vị khi trúng cử hãy thực hiện đúng lời hứa với cử tri" - ông Huỳnh Tấn Quang (phường 3, quận Gò Vấp) phát biểu.

40 bí thư tỉnh ủy, thành ủy ứng cử đại biểu Quốc hội là những ai?40 bí thư tỉnh ủy, thành ủy ứng cử đại biểu Quốc hội là những ai?

TTO - Tổng hợp của Tuổi Trẻ Online từ danh sách các đơn vị bầu cử cho thấy có 40 bí thư tỉnh ủy, thành ủy, 20 phó bí thư, 3 chủ tịch và 4 phó chủ tịch UBND tỉnh ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Nguồn bài viết