Long An cảnh báo việc ồ ạt mở rộng diện tích nuôi ương cá tra giống

2 năm trước 413
Chú thích ảnhNgười dân xã Tân Hòa (Tân Thạnh, Long An) thu hoạch cá tra giống. Ảnh (tư liệu): Bùi Giang/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, trên địa bàn hiện có trên 1.300 ha nuôi ương cá tra giống, tập trung chủ yếu ở các huyện như Tân Hưng, Tân Thạnh… Thời gian gần đây, giá cá giống liên tục tăng cao, hiện đang ở mức trên 50.000 đồng/kg đối với loại từ 30 - 35 con/kg. Với mức giá này, người nuôi thu lãi khá lớn. Tuy nhiên, việc giá cá giống liên tục tăng cao làm dấy lên lo ngại người dân sẽ ồ tạt mở rộng quy mô, diện tích nuôi.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An nhận định, giá cá tra thương phẩm tăng cao đã kéo theo giá cá giống cũng tăng, người nuôi thu được lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, người dân không nên tùy tiện mở rộng quy mô, diện tích ao nuôi để tránh xảy ra tình trạng mất cân đối cung – cầu, dư thừa sản phẩm và tiêu thụ khó khăn như trước đây.
 
Bên cạnh đó, việc nuôi ương cá tra giống trên địa bàn hiện vẫn là tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chất lượng con giống không đảm bảo, hệ thống kênh mương không phù hợp cho việc nuôi thủy sản, người nuôi xả nước trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm và lây lan mần bệnh…
 
Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng quy mô, diện tích ương cá tra giống, cần cẩn trọng cập nhật thông tin thị trường, nhu cầu con giống… để có kế hoạch thả nuôi phù hợp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn, đảm bảo chất lượng con giống phù hợp để đáp ứng với nhu cầu thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Nhằm định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả bền vững, quản lý tốt chất lượng cá tra giống, tạo đầu ra ổn định, ngành nông nghiệp đang rà soát lại các vùng nuôi cá tra giống theo hướng tập trung, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, ổn định lâu dài, đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định; đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn các quy trình giải pháp kỹ thuật tiên tiến, mật độ thả nuôi phù hợp, sử dụng thuốc, hóa chất đúng theo quy định… để người nuôi có đủ thông tin và chủ động trong quá trình nuôi.
 
Tỉnh còn xây dựng các mô hình hợp tác sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ cá tra giống giữa người dân với các doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm để tạo đầu ra ổn định cho con giống - bà Khanh cho hay.

Giai đoạn từ 2017 - 2019, giá cá tra giống tăng cao khiến hàng ngàn người dân ồ ạt phá bỏ đất trồng lúa để đào ao nuôi cá khiến diện tích thả nuôi trên địa bàn tăng nhanh. Thời điểm đó, Long An trở thành địa phương có diện tích nuôi ương cá tra giống lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với gần 3.500 ha, chiếm trên 50% diện tích toàn vùng.

Tuy nhiên, việc bùng phát nuôi cá tra giống, tăng nhanh về diện tích và sản lượng đã làm dư thừa sản phẩm, mất cân đối cung - cầu gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và hiệu quả sản xuất. Từ cuối năm 2019 đến giữa năm 2021, giá cá tra giống rơi xuống mức thấp, dao động từ 18.000 – 25.000 đồng/kg, phần lớn các hộ nuôi bị thua lỗ, rơi vào cảnh nợ nần.

Tình cảnh này khiến nhiều người buộc phải bán đất hoặc chuyển đổi mục đích sang nuôi loại thủy sản khác, lấp ao để quay trở lại trồng lúa, cây ăn trái. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn trên 1.300 ha nuôi ương cá tra giống.

Nguồn bài viết