Thắng cảnh gành đá biển Lộ Diêu - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Ngày 28-12, một số chủ tài khoản mạng xã hội bày tỏ lo lắng trước thông tin UBND tỉnh Bình Định cho phép đầu tư Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, một thắng cảnh ven biển được đánh giá là có tiềm năng lớn để phát triển du lịch.
Các ý kiến cho rằng việc cho đầu tư dự án gang thép có thể không chỉ làm vẻ đẹp yên bình, hấp dẫn của thôn Lộ Diêu biến mất, mà còn gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Vì sao chuyển vị trí đầu tư dự án?
Theo tìm hiểu, năm 2021, UBND tỉnh Bình Định có quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư khu liên hợp gang thép tại hai xã Mỹ Thọ và Mỹ An (huyện Phù Mỹ) với tổng vốn đầu tư khoảng 62.470 tỉ đồng.
Dự án xây dựng khu liên hợp gang thép có công suất 5,4 triệu tấn/năm và cảng tổng hợp quốc tế gồm 18 cầu cảng, tiếp nhận tàu 5.000 - 250.000 tấn. Thời gian thực hiện dự án từ 2021 - 2028.
Tuy nhiên vào tháng 7 và tháng 11-2022, UBND tỉnh Bình Định có các quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án nêu trên, đồng ý cho chủ đầu tư chuyển địa điểm đầu tư sang thôn Lộ Diêu và điều chỉnh một số nội dung của dự án.
Phối cảnh dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn được UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương đầu tư tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) - Ảnh: binhdinh.gov.vn
Vì sao phải "di dời" dự án? Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ Online chiều 28-12, ông Nguyễn Thành Hải - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định - cho biết quá trình nhà đầu tư nghiên cứu khả thi dự án ở Phù Mỹ thì một số người dân địa phương có ý kiến, bày tỏ lo ngại, không đồng tình.
Do vậy, chủ đầu tư nghiên cứu địa điểm khác, thấy vị trí ở thôn Lộ Diêu tốt hơn về các điều kiện tự nhiên nên họ đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Không đánh đổi
Ông Hải cho rằng làm gang thép thì có lo ngại nguy cơ (ô nhiễm), nhưng "người ta làm được thì mình cũng làm được". "Phạm vi nghiên cứu đầu tư dự án này ở phía nam thôn Lộ Diêu, có khoảng cách đệm nhất định và không đụng gì đến di tích lịch sử Bến tàu không số Lộ Diêu hay thắng cảnh gành đá biển Lộ Diêu mà khách du lịch phượt hay đến", ông Hải nói.
Theo ông, nếu dự án được thẩm định không gây tác động tiêu cực thì mới cho phép làm. "Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi, không trả giá đắt, chứ nếu làm dự án mà phá hoại thì không ai chịu. Dư luận người ta có quyền đặt vấn đề, còn tỉnh lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận", ông Hải nói.
Dự án này không lấy diện tích của di tích và danh thắng ở Lộ Diêu, những chỗ này phải giữ và tôn tạo, phát huy lên. Còn làm dự án thì phải có phương án chứ không đánh đổi. Nhà nước phải tính toán, xin ý kiến người dân bị ảnh hưởng. Phải dân chủ, xin ý kiến từng người, có chính sách cho người ta đầy đủ, phải tôn trọng dân chứ đâu phải muốn làm là làm. Còn nếu mà đa số người ta không đồng tình thì chưa chắc gì đã làm.
Ông PHẠM TRƯƠNG - bí thư Thị ủy Hoài Nhơn
Cùng quan điểm, ông Lê Đăng Tuấn - chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn - nói: "Bây giờ dự án mới ở giai đoạn nghiên cứu. Muốn triển khai thực tế thì Bộ Tài nguyên và Môi trường phải phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Công Thương phải thẩm định thiết kế cơ sở, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định về công nghệ, chứ đâu phải chuyện đơn giản".
Ông khẳng định: "Chừng nào dân đồng thuận thì mới làm. Quan điểm của địa phương là phát triển nhưng không đánh đổi, dân không đồng thuận thì có khi phải bỏ dự án".
Một số hình ảnh về danh thắng biển Lộ Diêu:
Dân "phượt" thích thú với việc dựng lều ngủ qua đêm ở biển Lộ Diêu - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Bình yên Lộ Diêu - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Quăng chài đánh cá ở Lộ Diêu - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG