Liệu vàng miếng SJC có về lại ngưỡng 65 triệu đồng/lượng?

2 năm trước 185
Liệu vàng miếng SJC có về lại ngưỡng 65 triệu đồng/lượng? - Ảnh 1.

Giá vàng miếng SJC vẫn neo chặt ở trên ngưỡng 69 triệu đồng/lượng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Công ty SJC hôm nay 14-3, niêm yết giá bán vàng miếng SJC ở mức 69,4 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng so với hôm qua. Giá mua vào cũng giảm 400.000 đồng/lượng, về mức 67,6 triệu đồng/lượng.

Còn tại các cửa hàng vàng, giá bán vàng miếng SJC hôm nay giảm 200.000 đồng/lượng, về mức 69,3 triệu đồng/lượng.

Tại Công ty PNJ, giá bán vàng miếng SJC rơi từ mức 70,5 triệu đồng/lượng cuối tuần trước về mức 69,2 triệu đồng/lượng, mua vào chỉ 67,4 triệu đồng/lượng.

Như vậy hiện chênh lệch giữa giá mua - bán vàng miếng SJC tại các công ty vàng lớn vẫn ở mức rất cao: 1,8 triệu đồng/lượng. Trong khi tại các cửa hàng vàng, chênh lệch giữa giá mua - bán vàng đã rút ngắn, còn 1 triệu đồng/lượng.

Sau một tuần biến động "đảo điên", từ ngưỡng 69 triệu đồng/lượng tăng thẳng đứng lên 74,4 triệu đồng/lượng, theo ghi nhận, thị trường vàng trong nước đã bắt đầu bình ổn trở lại. 

Giao dịch mua - bán trên thị trường vàng đã hạ nhiệt do người bán kỳ vọng giá cao hơn, trong khi bên mua chờ giá giảm hơn mới xuống tiền. Hiện mức giá mà bên mua kỳ vọng là 65 triệu đồng/lượng, tức giảm khoảng 4,3 triệu đồng/lượng so với mức giá hiện tại.

Hiện giá vàng thế giới theo quy đổi chỉ 54,84 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn 9999 SJC bán ra chỉ ở mức 56,55 triệu đồng/lượng nhưng giá vàng miếng SJC vẫn đang neo ở ngưỡng 69 triệu đồng/lượng do khan hiếm nguồn cung. 

Trước đây mỗi khi xuất hiện chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới, các công ty vàng thường kiếm lời bằng cách chuyển đổi từ vàng bóng ký sang vàng miếng SJC để hưởng chênh lệch. 

Tuy nhiên từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước đã quốc hữu hóa thương hiệu vàng miếng SJC và quản lý việc dập vàng miếng SJC. Hơn 10 năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không cấp phép dập thêm vàng miếng SJC, do vậy dù giá vàng miếng chênh giá vàng nhẫn cả 15 triệu đồng/lượng như đợt sốt giá này nhưng cũng không ai có thể chuyển đổi để hưởng chênh lệch. 

Cả thị trường vàng hiện cũng chỉ có SJC là nhãn hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước, trong khi trước kia còn có các thương hiệu vàng miếng khác như PNJ, SBJ…

Do tình trạng khan hiếm nguồn cung nên giá vàng miếng SJC ngày càng chênh cao so với giá vàng thế giới. Trước đây mức chênh chỉ 2-4 triệu đồng/lượng, sau đó đến cuối năm 2021 tăng lên 7 triệu đồng/lượng, rồi lên trên 10 triệu đồng/lượng. Đến khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, mức chênh lệch có thời điểm lên đến trên 15 triệu đồng/lượng. 

Về việc giá vàng miếng SJC liệu có về ngưỡng 65 triệu đồng/lượng? Theo các chuyên gia, giá vàng miếng SJC chỉ về ngưỡng 65 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới giảm sâu và trên thị trường xuất hiện lực bán mạnh. Còn nếu nguồn cung hạn chế thì vàng miếng SJC sẽ tiếp tục bị neo giá. 

Ngoài ra, nếu quan sát có thể thấy, sau mỗi đợt biến động mạnh vàng sẽ hình thành một mặt bằng giá mới, như các đợt biến động đưa giá vàng miếng SJC lên ngưỡng 56 - 57 triệu đồng/lượng, rồi sau đó là ngưỡng 60-62 triệu đồng/lượng. 

Sẽ quản lý thương hiệu SJC?Sẽ quản lý thương hiệu SJC?

TT - Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó có thông tin thương hiệu vàng miếng SJC sẽ được NHNN quản lý.

Nguồn bài viết