Các doanh nghiệp hiện nỗ lực tái sản xuất sau giai đoạn gặp khó bởi dịch bệnh song cần những trợ lực từ chính sách - Ảnh: TẤN LỰC
Kể từ 1-10, Chính phủ đã ban hành nghị định 128 về việc thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần tái sản xuất, kinh doanh, tạo đà phục hồi và phát triển trong giai đoạn bình thường mới. Song thực tế các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Sản xuất hàng tiêu dùng gặp khó
Tại Talkshow "Phác đồ hồi phục", phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Trần Việt Anh cho hay từ ngày TP.HCM ngừng thực hiện chỉ thị 16 đến nay đã có tới 96% doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Đi sâu vào câu chuyện doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, ông Nguyễn Đặng Hiến - phó chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) - nhận định sau 2 tháng tái sản xuất, các doanh nghiệp đã từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn về lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá thành sản xuất lẫn giá bán trên thị trường đều tăng.
Bởi thực tế, sự giảm sút đáng kể trong thời gian đại dịch cũng khiến doanh nghiệp khó phục hồi nhanh chóng. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2021 giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trước những dấu hiệu trên, ông Hiến dự đoán nhu cầu tiêu dùng sẽ đi xuống, thị trường không thể có được mức mua sắm như tết năm ngoái nên nhà sản xuất cũng cần được "báo động" để không thể sản xuất như kế hoạch.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thể phục hồi như trước một phần chính là do sự thận trọng của người dân trước những diễn biến phức tạp của đại dịch, công việc người tiêu dùng bị tác động dẫn đến thu nhập và khả năng chịu chi của họ cũng giảm do tài chính eo hẹp hơn.
Các doanh nghiệp, chuyên gia đề xuất cần có gói hỗ trợ mới, đủ liều lượng cho doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đứng trước những khó khăn, nhiều đề xuất cũng đã được đề cập trong Talkshow "Phác đồ hồi phục" như nâng quy mô, tăng liều lượng gói hỗ trợ cũng như tung ra gói hỗ trợ nhanh để giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được vốn, được miễn giảm các loại thuế để giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch...
Tuy nhiên, ông Việt Anh cũng đã nhấn mạnh ở góc độ doanh nghiệp, tất cả các gói hỗ trợ đều cần thiết, song cần phải xác định gói hỗ trợ đúng đối tượng, nên tập trung vào doanh nghiệp có thể hoặc đang hoạt động, có kế hoạch cho 2021 nhưng bị dừng lại do dịch và đã có kế hoạch cho 2022.
Doanh nghiệp đưa ra các giải pháp linh hoạt
Dưới ảnh hưởng chung của đại dịch, Acecook cũng là doanh nghiệp gặp không ít những khó khăn.
Cụ thể, giá nguyên vật liệu tăng cao, một số nguyên liệu khó nhập vì vấn đề lưu thông, phải chi trả thêm loạt phí phát sinh khi triển khai "3 tại chỗ", điển hình là trang thiết bị hỗ trợ, trợ cấp thêm cho người lao động...
Có giai đoạn, tổng sản lượng sản xuất bị giảm khoảng 20% so với bình thường, kéo theo lợi nhuận công ty giảm sút.
Thế nhưng với tầm nhìn và sứ mệnh, doanh nghiệp cũng đã có những giải pháp linh hoạt duy trì hoạt động, tiếp tục cung cấp sản phẩm trên thị trường với giá sản phẩm vẫn luôn ở mức ổn định.
Khi được hỏi về kế hoạch trong năm tới, ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - cho biết: "Acecook tiếp tục cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp cùng phân khúc bằng các bí quyết quản lý chất lượng, phát huy năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm từ 70 năm kinh nghiệm của Acecook Nhật Bản".
Doanh nghiệp kỳ vọng nâng cao nhu cầu toàn thị trường tại Việt Nam và muốn tăng giá trị sản phẩm hơn nữa - ẢNH: A.C.
Nhìn chung, sự phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nói riêng bên cạnh dựa vào những sự hỗ trợ phù hợp từ chính phủ, mỗi doanh nghiệp cũng cần phải chủ động xây dựng kế hoạch phát triển và phục hồi phù hợp.
Theo như nhận định của PGS.TS Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - tại Talkshow "Phác đồ hồi phục" vừa qua, ít nhất hết năm 2022, các doanh nghiệp mới phục hồi và tăng tốc.
Sau tập phát sóng đầu tiên với chủ đề "Liệu trình cho kinh tế Việt Nam" và tập 2 với chủ đề "Vắc xin kinh tế: Giải bài toán nguồn lao động", Báo Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục phát sóng các tập tiếp theo với những vấn đề sát sườn với doanh nghiệp.
Tại 2 tập trước, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã cùng thảo luận, đưa ra những giải pháp để giúp doanh nghiệp tái phục hồi như cần trợ lực từ các gói hỗ trợ, các chính sách miễn giảm thuế và thu hút lao động trở lại nhà xưởng…
Các chương trình sẽ phát sóng trực tiếp trên các nền tảng online của Tuổi Trẻ, bao gồm Tuổi Trẻ Online, Truyền hình Báo Tuổi Trẻ, Fanpage và Youtube Báo Tuổi Trẻ.
Chương trình do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty CP Acecook Việt Nam thực hiện.