Doanh nghiệp cần đầu tư tạo nên giá trị gia tăng cao để xuất khẩu vào các thị trường - Ảnh: NK
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo CPTPP - Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức sáng 27-4.
Ông Dustin Daugherty, Giám đốc phát triển kinh doanh Bắc Mỹ Dezan Shira & Associates, cho rằng mặc dù chưa có tuyên bố cụ thể nào về tương lai CPTPP từ Mỹ, nên đây sẽ là triển vọng khó khăn nếu Mỹ muốn quay trở lại.
"Tuy vậy, chúng ta vẫn kỳ vọng một điều tích cực xảy ra vào cuối nhiệm kỳ khi chính quyền này rất ủng hộ CPTPP nên họ có thể cân nhắc, xem xét. Còn chứ thời điểm này không nên quá kỳ vọng" - ông Dustin nói.
Cùng quan điểm cho rằng Mỹ có thể xem xét quay trở lại với CPTPP, nhưng ông Phạm Cao Cường, phó viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), lại cho rằng có khả năng Mỹ quay trở lại hiệp định này ngay trong 2 năm đầu, khi đang có những tín hiệu cho thấy chính quyền Mỹ đang cân nhắc quay trở lại với hiệp định này.
Mặc dù tương lai của Mỹ tham gia CPTPP là dài hạn, nhưng các chuyên gia đều cho rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn khi Hiệp định này đi vào thực thi trong thời gian qua. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tận dụng các thị trường trong CPTPP như Mexico, Canada để xuất khẩu vào Mỹ, tận dụng lợi thế ưu đãi thuế quan khi doanh nghiệp có đầu tư bài bản.
Ông Dustin cho hay các quy định với mặt hàng rất cụ thể, phức tạp nên cần phải nghiên cứu quy định để đáp ứng. Do đó, ông lưu ý là việc xuất khẩu sang nước thứ ba để xuất sang Mỹ không đơn giản chỉ là đóng gói mặt hàng mà phải tạo giá trị gia tăng thì mới xuất được vào Mỹ.
"Cần đáp ứng yêu cầu tỉ lệ nội địa, xuất xứ hàng hóa nên doanh nghiệp phải phân tích kỹ lưỡng về quy tắc xuất xứ, xác định mức độ khó khăn và giá trị thu lời sau khi phân tích chi phí và lợi ích… CPTPP đang mang lại nhiều lợi ích nên có thể cân nhắc đường vòng này để đến Mỹ khi có đầu tư nghiêm túc" - ông Dustin nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu quy tắc xuất xứ
Bà Nguyễn Cẩm Trang, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng trở ngại đặt ra cho doanh nghiệp trong việc tận dụng cơ hội thuế quan là đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đặc biệt, quy tắc xuất xứ một số mặt hàng chủ lực như dệt may còn khó khăn trong khi việc đầu tư gia tăng hàm lượng nội địa trong dệt nhuộm còn e ngại ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường, việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng với hàng nông sản, thủy sản, vẫn còn sự thiếu đồng bộ chất lượng nên khó thâm nhập vào thị trường.
Do đó, bà Trang cho rằng doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt và đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt cần nắm rõ quy định về quy tắc xuất xứ. Đồng thời, cần thay đổi tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, có sự chủ động, chuẩn bị bài bản hơn về nhân lực và tài lực, tiếp cận thị trường mới.