Liên tiếp có mưa to, góp phần đẩy lùi hạn - mặn tại Tiền Giang

2 năm trước 245
Chú thích ảnhMưa to trên quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Cai Lậy (ảnh tư liệu). 

Đây là chiều ngày thứ hai liên tiếp tại địa phương đều xảy ra mưa to. Trước đó, chiều 22/2, tại địa bàn tỉnh cũng xuất hiện một trận mưa to kéo dài từ khoảng 14 giờ 30 đến hơn 16 giờ.

Như vậy, kể từ đầu tháng 2/2022 đến nay, trên địa bàn Tiền Giang đã xuất hiện 3 trận mưa to vào các ngày 10, 22 và 23/2. Dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong các tháng 1 và 2, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng sẽ có mưa rào cục bộ với tổng lượng mưa cả thời kỳ này dao động trong khoảng 15 đến 40 mm. Các trận mưa rào cục bộ này giúp giải hạn, giảm áp lực tưới tiêu cho cây trồng, tạo không khí mát mẻ sau những ngày nóng bức.

Theo người dân địa phương, các trận mưa to liên tiếp kể trên đã góp phần đẩy lùi hạn - mặn, tưới mát cho các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản trong vùng kiểm soát lũ phía Tây như: sầu riêng, mít Thái, cây có múi. Trong đó, riêng vùng chuyên canh sầu riêng đặc sản có diện tích trên 14.000 ha hàng năm cho sản lượng khoảng 280.000 tấn đến 300.000 tấn quả.

Chị Phạm Thị Xuân Mai có 6.000 m2 đất vườn trồng sầu riêng và mít Thái ở phường 5, thị xã Cai Lậy phấn khởi cho biết, trận mưa to chiều tối 23/2 không chỉ tưới mát vườn cây mà còn làm dịu bớt cái nóng bức trong những ngày qua, không khí dễ chịu.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, chủ vườn sầu riêng 3.000 m2 ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy rất vui mừng bởi cơn mưa kéo dài và rất to chiều tối nay đã giúp giảm bớt áp lực về tưới tiêu, giảm chi phí bơm tát vừa giảm nguy cơ hạn - mặn, vườn cây tươi tốt. Khu vườn của anh cũng như người dân xung quanh đang mang trái hứa hẹn sẽ bội thu.

Trước đó, ngay từ đầu mùa khô 2021 - 2022, Tiền Giang đã triển khai các phương án phòng, chống hạn - mặn, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống tại các vùng sản xuất trọng điểm của tỉnh: vùng ngọt hóa Gò Công, vùng Đồng Tháp Mười, vùng kiểm soát lũ phía Tây… Trong đó, địa phương đã triển khai đắp đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành bảo vệ cho vùng dự án Bảo Định và vùng Đồng Tháp Mười của hai tỉnh Tiền Giang và Long An; tập trung rà soát, kiện toàn mạng lưới thủy lợi chủ động lấy nước tưới tiêu, bảo vệ cây trồng.

Đến thời điểm này, nhờ các giải pháp tích cực cũng như có thêm những trận mưa trái mùa trên diện rộng nên sản xuất tại địa phương ổn định, nhất là triển vọng thu hoạch trà lúa Đông Xuân trong những ngày tới và các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản, cây công nghiệp trên Đồng Tháp Mười được bảo vệ tốt.

Nguồn bài viết