Thị trường thức uống có sự cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế - Ảnh: BÔNG MAI
Thay mặt hội đồng quản trị, ông Trần Kim Thành - chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán KDC) - vừa ra quyết định thông qua việc dừng và giải thể Công ty TNHH liên doanh Thực phẩm và Đồ uống Vibev do Vinamilk và Kido đồng thành lập.
Nguyên nhân giải thể được ông Thành đưa ra là "trước những ảnh hưởng từ kinh tế thế giới, những biến động khó đoán tại thị trường trong nước, cùng với đó là một số thay đổi trong định hướng phát triển của Tập đoàn Kido".
Song song đó, bà Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) - cũng thông báo về việc giải thể liên doanh trên.
"Do một số thay đổi trong định hướng phát triển kinh doanh của Vinamilk và Kido", bà Liên chia sẻ lý do giải thể.
Theo thông tin được công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào đầu tháng 12-2022, phía Vinamilk cho biết sẽ "phối hợp với Kido và Vibev trên tinh thần hợp tác để thực hiện các thủ tục giải thể Vibev theo quy định pháp luật".
Trước đó vào ngày 9-6-2020, Vinamilk và Kido bất ngờ thông báo sẽ thành lập liên doanh mới có tên gọi Vibev (Vietnam Beverage). Liên doanh này tập trung sản xuất kinh doanh nước giải khát (trà, trà sữa...), các loại kem và thực phẩm đông lạnh.
Đến 1-3-2021, Vibev chính thức được thành lập, có tổng vốn đầu tư ban đầu 400 tỉ đồng, trong đó Vinamilk góp 51% (204 tỉ đồng) và Kido góp 49% (196 tỉ đồng).
Vào thời điểm đó, ông Mai Xuân Trầm, tổng giám đốc của Vibev, cho biết ở thị trường Việt Nam ngành giải khát không gas là nhóm ngành vô cùng tiềm năng. Về nước tươi hay đồ uống tươi, các đơn vị cung ứng trên thị trường hiện nay đa số là quy mô nhỏ, công nghệ kỹ thuật còn hạn chế và phục vụ trong phạm vi nhỏ.
Vì vậy, liên doanh mới sẽ khai phá thị trường này dựa trên thế mạnh của cả hai, từ đó thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về thức uống không cồn có lợi cho sức khỏe.
Dựa vào báo cáo tài chính hợp nhất của Kido, có thể thấy đến cuối quý 3-2022 giá trị khoản đầu tư của Kido tại Vibev đã bị giảm còn 160 tỉ đồng (tỉ lệ sở hữu vẫn 49%). Đồng nghĩa với việc Vibev đã bị thua lỗ lũy kế gần 73 tỉ đồng sau gần hai năm hoạt động.
Theo báo cáo của Chứng khoán SSI, mặc dù sự tăng lên của chi phí đầu vào chưa được phản ánh hoàn toàn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam, nhưng người tiêu dùng đã cảm nhận được sức nóng của giá cả tăng lên.
Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và đồ uống đã tăng giá bán bình quân 2 -10% để chuyển một phần chi phí sang người tiêu dùng cuối cùng.
Trong khi đó, các nguyên liệu đầu vào chính của các công ty F&B đều tăng so với cùng kỳ như sữa bột (tăng 30-40%), đường (tăng 30%), đậu tương (tăng 20%) và dầu cọ (tăng 44%).
Thị trường thức uống đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa hàng loạt thương hiệu cả trong nước lẫn quốc tế.