Để hoàn thành chỉ tiêu trồng mới 40.000 ha rừng trong giai đoạn 2020 - 2025, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,75%, tỉnh Gia Lai đã nhân rộng các mô hình trồng mới, giữ rừng nhằm phát triển ngành Lâm nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế cho người dân và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Người dân cùng vào cuộc
Ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hra, cho biết, để công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả tốt nhất, rất cần sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả nỗ lực bảo vệ rừng của từng người dân trên địa bàn. Do đó, ngoài việc áp dụng các biện pháp trồng rừng, giữ rừng của các ban, ngành chuyên môn thì công tác vận động, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng đến từng hộ gia đình, cộng đồng người dân sống gần rừng được Ban quản lý đặc biệt chú trọng.
Để người dân bảo vệ rừng thì từng cán bộ Ban quản lý phải tiên phong, làm gương trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, dự đoán các đối tượng lâm tặc sẽ lợi dụng dịp Tết Nguyên Đán để phá rừng, Ban quản lý đã dự phòng các phương án, tăng cường công tác trực chốt, tuần tra ngay cả những ngày Tết để hạn chế thấp nhất việc phá rừng xảy ra.
Năm 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hra đã tổ chức giao khoán hơn 6.300 ha rừng cho cá cá nhân, hộ gia đình, tổ, nhóm hộ, cộng đồng trên địa bàn theo phương châm tiện quản, tiện canh, rừng gần thôn làng nào thì khoán cho hộ, tập thể, cộng đồng thôn làng đó bảo vệ.
Hằng năm, Ban quản lý rừng phòng hộ Hra tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm địa bàn tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp, gắn với an ninh nông thôn tại 12 thôn làng với khoảng 1.500 lượt người tham dự.
Ban quản lý thường xuyên thay, sửa, đóng các bảng tuyên truyền tại các cửa rừng, nơi có nhiều người qua lại. Phân công cán bộ phụ trách địa bàn, khu vực định kỳ hằng tháng vào các thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng - phòng cháy, chữa cháy rừng.
Đặc biệt, ông Chín đã cảm hóa được những đối tượng lâm tặc trước đây thành một đội nhận khoán bảo vệ rừng đắc lực của Ban Quản lý.
Anh Dương Xuân Kiếm, cho hay, trước đây do khó khăn nên nhóm lâm tặc của anh phải phá rừng lấy gỗ đem bán, kiếm tiền sinh hoạt. Sau khi được ông Chín tuyên truyền cảm hóa và giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí phát triển kinh tế gia đình, họ đã quay trở lại giúp đỡ ông Chín quản lý, bảo vệ chính khu rừng ngày xưa họ tàn phá. Khi thấy các anh không phá rừng mà còn trồng rừng, bảo vệ rừng nên người dân trong xã cũng vì thế mà dần dần bỏ việc phá rừng, tập trung nhận khoán, bảo vệ rừng vì kinh phí bảo vệ rừng cũng đủ để bà con sinh sống.
Hiện tại, anh Kiếm là một trong những Tổ trưởng tổ Quản lý bảo vệ rừng. Tổ của anh quản lý 400 ha rừng tự nhiên khu vực giáp ranh giữa huyện Mang Yang với Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh và huyện Kbang. Anh Kiếm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giao khoán bảo vệ rừng. Năm 2020, anh còn là gương điển hình tiêu biểu trong công tác giữ rừng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai khen tặng.
Tăng cường, nhân rộng mô hình trồng rừng
Là địa phương làm tốt công tác trồng rừng, 3 năm qua (2017-2019), huyện Krông Chro đã có gần 700 hộ, hầu hết là người dân tộc thiểu số tham gia đăng ký trồng gần 2.250 ha rừng, vượt 317,54 ha so với kế hoạch diện tích UBND tỉnh giao. Các loại cây trồng chủ yếu là keo, bạch đàn được trồng trên diện tích đất lâm nghiệp đồi núi dốc, không liền thửa, nhưng cho hiệu quả khả quan, tỷ lệ sống trên 95%. Riêng năm 2020, gần 200 hộ dân trên địa bàn huyện Krông Chro đã đăng ký trồng gần 400 ha rừng, vượt kế hoạch được giao. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị lẫn ý thức người dân mà Krông Chro là điển hình trong công tác trồng lại rừng trên đất lâm nghiệp và được nhiều địa phương, đơn vị đến tham quan, học hỏi, nhân rộng mô hình.
Ông Nguyễn Lâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro cho biết: Địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền bằng cả tiếng Kinh lẫn tiếng Bahnar đến từng hộ dân, kết hợp các cuộc họp thôn, làng để vận động bà con trồng lại diện tích rừng. Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành phát tờ rơi, gắn các biển báo sinh động, trực quan dễ hiểu để người dân nhận thức được vai trò quan trọng của rừng đối với cuộc sống. Hiện các diện tích cây trồng trên đất lâm nghiệp địa phương sinh trưởng tốt, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác trồng lại rừng trên đất lâm nghiệp tại địa phương.
Theo kiến nghị của ngành lâm nghiệp tỉnh Gia Lai, để công tác quản lý, bảo vệ rừng thực sự có hiệu quả, đề nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi, phụ cấp lương cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương cũng đề nghị Nhà nước cho hưởng chế độ, chính sách như thương binh, bị hy sinh được công nhận liệt sỹ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Ngoài ra, để đảm bảo sinh kế cho người dân, hạn chế thấp nhất việc phá rừng, đề nghị Nhà nước tăng mức hỗ trợ bảo vệ rừng 500.000 đồng/ha/năm đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Để giữ rừng, phát triển rừng, các địa phương cần linh động, cân đối các biện pháp đảm bảo ổn định kinh tế cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng trên từng địa bàn.
Với các biện pháp đồng bộ, sự chung tay của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, hy vọng Gia Lai sẽ giữ lại được những cánh rừng nguyên sinh và phục hồi, tái tạo những diện tích rừng đã mất góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường cho cả nước.