Lao động trở lại làm việc ổn định sau Tết Quý Mão

1 năm trước 155
Chú thích ảnhHoạt động sản xuất diễn ra sôi nổi sau kỳ nghỉ Tết tại Công ty TNHH Pi Vina Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Khánh). Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Có việc làm ngay từ đầu năm - niềm vui lớn

Tại Công ty Cổ phần Động Lực (Thanh Xuân, Hà Nội), Phó Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Đức Minh cho biết, công ty có 300 công nhân, lao động. Từ mùng 6 Tết (tức ngày 27/1), toàn bộ công nhân lao động của công ty đã quay trở lại làm việc với tâm thế phấn khởi sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023. Dù năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, công ty vẫn đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đặc biệt trong dịp trước Tết Nguyên đán, không có công nhân lao động nào phải nghỉ hay giãn ca.

Theo chia sẻ của chị Vũ Thị Thu Hiền - người có 7 năm làm công nhân tại Công ty Cổ phần Động Lực, nhà chị ở Thanh Oai, cách công ty khoảng 10 km nhưng ngay từ ngày đi làm đầu tiên của năm mới chị đã đi làm từ sớm bởi suy nghĩ trong thời điểm hiện nay có việc làm ngay là niềm vui lớn.

Cũng như 300 lao động ở Công ty Cổ phần Động lực, hàng vạn công nhân, lao động tại các doanh nghiệp khác nhau trên địa bàn Hà Nội đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Như tại Công ty Cổ phần Dệt May Supertex (nằm trên địa bàn Cụm công nghiệp Thanh Oai), Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt May Supertex Lê Đại Quảng cho hay: Ngay từ ngày làm việc đầu tiên của năm mới Quý Mão, 98% công nhân lao động đã trở lại các phân xưởng, phòng, ban. Doanh nghiệp đã bắt tay thực hiện các đơn hàng và bận rộn với kế hoạch sản xuất đầu năm mới.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, công nhân lao động trên địa bàn Thủ đô đã sớm ổn định, phấn khởi quay trở lại với công việc sau kỳ nghỉ Tết. Hiện nay, gần như 100% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với hầu hết số lao động trở lại làm việc.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, sau Tết Nguyên đán, trên 93% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Tỷ lệ lao động làm việc tại các doanh nghiệp đạt khoảng 95%. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch sôi động trở lại sau thời gian dài bị kìm hãm bởi đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày vẫn đang tiếp tục sản xuất cho các đơn hàng đến tháng 6/2023 và đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng cho những tháng tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những điều đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay là tình trạng công nhân “nhảy việc” không phổ biến như nhiều năm trước. Sau Tết, 499 doanh nghiệp tham gia khảo sát có nhu cầu tuyển thêm lao động trong quý I/2023 là 14.379 lao động, trong đó lĩnh vực may mặc - da giày là 5.000 vị trí, điện - điện tử là 2.200 vị trí, hóa nhựa là 800 vị trí và 1.000 vị trí bán buôn.

Thời gian tới, Thành phố sẽ tổ chức sàn giao dịch trực tuyến ở các địa phương để doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn có thể gặp gỡ, trao đổi - ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.

Tại Bình Dương, sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, tình hình lao động trở lại làm việc đã tương đối ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường các hình thức khảo sát, nắm tình hình nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động để nhanh chóng thực hiện kết nối cung - cầu lao động, người lao động có thể tiếp cận việc làm nhanh chóng, thuận lợi… Theo khảo sát, vẫn có một số doanh nghiệp đang rất khó khăn về đơn hàng. Dự báo, tình hình lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp sau ngày 5/2 sẽ ổn định.

Kết nối cung - cầu lao động

Chú thích ảnhCông nhân Công ty TNHH Tân Nhiên, xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đã trở lại làm việc đáp ứng cho các đơn hàng đầu năm mới. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Nhận định tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại. Theo đó, tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.

Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý I/2023 khoảng 377,7 nghìn người, cao hơn nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua. Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận, 499 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm lao động trong quý I/2023, với số lao động lên đến 14.379 người. Tại Bắc Giang, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn sau Tết khoảng 17.000 lao động. Các doanh nghiệp tại Bình Dương có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10 nghìn lao động sau Tết Quý Mão.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngay sau Tết Nguyên đán, Bộ sẽ rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, sản xuất gỗ..., để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực; bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Bộ cũng thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.

Đồng thời, Bộ đẩy mạnh các giải pháp hướng nghiệp, phân luồng, tuyển sinh đào tạo nghề; chú trọng đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, kỹ năng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

Nguồn bài viết