Cục thuế TP Hồ Chí Minh vừa có phản hồi việc trừ thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) đối với người lao động nghỉ việc tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam. Cụ thể, sau khi căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính, khoản trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và trợ cấp mất việc làm theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội sẽ không phải tính vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động để tính thuế thu nhập cá nhân; nếu các khoản trợ cấp trên vượt cao hơn quy định của Bộ Luật Lao động và Luật BHXH ( từ 2 triệu đồng 1 lần trở lên) thì doanh nghiệp chi trả có trách nhiệm tạm khấu trừ thuế theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC (10%).
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp có chi trả các khoản phụ cấp, trợ cấp cho người lao động (làm việc thường xuyên từ đủ một năm trở lên) để chấm dứt hợp đồng lao động thì khoản chi theo quy định hiện hành của Bộ Luật Lao động và Luật BHXH không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động.
Đối với khoản chi trả cho người lao động ngoài quy định của 2 Bộ luật Lao động và Luật BHXH thì được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ liền lương, tiền công của người lao động; khi chi trả, doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ, kê khai nộp thuế theo quy định, cụ thể: Nếu khoản chi trả được chi trước thời điểm kết thúc hợp đồng lao động thì Công ty khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Nếu khoản chi trả từ 2 triệu đồng 1 lần trở lên và được chi sau thời điểm kết thúc hợp đồng lao dộng (người lao động thực tế đã nghỉ việc) thì công ty khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo mức 10%.
Liên quan đến các hỗ trợ cho lao động nghỉ việc tại công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, đại diện công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết, công ty đã có thông tin về chính sách hỗ trợ cho 2.358 lao động bị cắt giảm vào tháng 3 do khó khăn đơn hàng. Tổng số tiền chi trả cho đợt cắt giảm này là 275 tỷ đồng.
Cụ thể, đối với nhóm bị thôi việc, lao động thâm niên trên 20 năm chiếm 16%, khoảng 370 người. Đây là nhóm nhận hỗ trợ cao nhất, trên 300 triệu đồng mỗi người do lương căn bản hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, có trường hợp lĩnh 379 triệu đồng. Nhóm thấp nhất là 12 triệu đồng vì mới vào, chiếm 3%. Mức nhận trung bình hơn 116 triệu đồng. Công nhân bị trừ 10% thuế thu nhập.
Ngoài ra, từ nay đến 31/3, người lao động không phải đến nhà máy làm việc nhưng vẫn nhận đủ lương, được đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm xã hội. Công ty sẽ quy ra tiền để trả cho người lao động số ngày phép năm chưa sử dụng. Dự kiến ngày 7/4, người lao động sẽ nhận các khoản hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, mức hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc là cao hơn so với quy định trợ cấp thôi việc. Theo đó, khi chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động thời gian làm việc từ năm 2009 trở về trước, với mỗi năm là nửa tháng lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ.
Bên cạnh hỗ trợ của công ty, công nhân nghỉ việc còn nhận trợ cấp từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho thời gian làm việc từ năm 2009 đến nay. Với mỗi năm làm việc, người lao động nhận một tháng trợ cấp và không quá 12 tháng. Mức hưởng được tính bằng 60% bình quân lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ. Hàng tháng, người lao động sẽ nhận bảo hiểm thất nghiệp đến khi tìm được việc mới.