Lan tỏa những mô hình nhân đạo hiệu quả

1 năm trước 110

Đặc biệt, nhiều chương trình, mô hình hoạt động hiệu quả đã đi sâu vào đời sống của người dân; tạo hình ảnh đẹp, lan tỏa khắp cộng đồng; thu hút đông đảo các tổ chức, cá nhân và xã hội tham gia, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn.

Chú thích ảnhCác mạnh thường quân trao quà hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nặng do mưa lụt vừa qua gây ra tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng vào sáng 18/10. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

"Xã nhân ái" – Hỗ trợ người dân an cư lạc nghiệp

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc, có 22 dân tộc anh em sinh sống, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người còn ở trong những căn nhà tạm, xập xệ, cần làm mới và sửa chữa. Xác định việc vận động nguồn lực để hỗ trợ các địa chỉ nhân đạo, đặc biệt là giúp người dân thoát nghèo bền vững, có điều kiện an cư lạc nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xã hội, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ Tuyên Quang đã nhanh nhạy tìm giải pháp, nắm bắt cơ hội giúp xây dựng hàng trăm căn "Nhà nhân ái" cho các hộ gia đình khó khăn.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, từ năm 2016 đến tháng 12/2020, các cấp Hội tỉnh Tuyên Quang đã huy động được trên 2,5 tỷ đồng để xây 50 căn nhà, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá là tổ chức có sự huy động lớn nhất cho hoạt động này. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ khi đó chỉ mang hình thức nhỏ lẻ, dàn trải, nguồn lực không chắc chắn. Hoạt động xây dựng "Nhà Nhân ái" được triển khai mạnh mẽ nhất sau "lời đặt hàng" Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng 1-2 "Thôn nhân ái" của Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang vào cuối năm 2020.

"Sau lời đặt hàng của Bí thư Tỉnh ủy, chúng tôi trăn trở rất nhiều vì căn cứ điều kiện thực tế, các doanh nghiệp ở Tuyên Quang chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ lẻ, mỗi lần hỗ trợ nhà cho Hội chỉ hỗ trợ được từ 1-2 căn (50 – 100 triệu đồng/căn) đã rất là đáng quý. Điều đó khiến chúng tôi nghĩ ngay đến việc tìm đến các cơ quan, doanh nghiệp ở Trung ương có sự lớn mạnh hơn về tiềm lực tài chính", ông Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.

Được Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội giúp đỡ kết nối, một nhóm thiện nguyện ở Hà Nội cam kết sẽ xây dựng cho tỉnh Tuyên Quang bước đầu 110 căn nhà, nhưng họ tài trợ hơn 3 tỷ đồng, số còn lại địa phương phải đối ứng. Trước tình hình đó, Hội đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và được tỉnh cho một cơ chế riêng: Nếu Hội vận động được 1 đồng để xây nhà cho dân, tỉnh sẽ hỗ trợ lại 1 đồng (đối ứng 50/50).

Từ cơ chế tỉnh đã mở cho Hội, 110 căn nhà đầu tiên được đồng loạt khởi công, gắn biển "Nhà Nhân ái", tổ chức trao tặng tại huyện Lâm Bình - huyện khó khăn nhất của tỉnh, với trị giá 6 tỷ đồng (trong đó nhóm thiện nguyện hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, tỉnh đối ứng 2,5 tỷ đồng).

Với phương án, cách làm đó, vị thế của Tỉnh hội được nâng lên, các nhà tài trợ bắt đầu tin tưởng, trao cho Hội những gói tài trợ lớn hơn: Ngân hàng Agribank tài trợ cho Hội 5 tỷ đồng, khoản tài trợ này được tỉnh đối ứng 4 tỷ đồng để xây dựng 180 căn "Nhà Nhân ái" trên mảnh đất Lâm Bình và Hàm Yên. Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận 5 tỷ đồng tiền mặt từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an và tin tưởng giao Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Số tiền này được tỉnh đối ứng trên 6 tỷ đồng để làm 200 căn nhà tại 5 huyện.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong 2 năm cuối nhiệm kỳ (2016-2021), Tỉnh hội xây mới được 560 căn nhà với tổng trị giá gần 27 tỷ đồng. Kết quả thật đáng khích lệ và phấn khởi khi Hội đã hoàn thành vượt kế hoạch "đặt hàng" – giao việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Không chỉ là một đến hai thôn, Hội đã xây dựng được hai "Xã nhân ái" (xã Khuôn Hà và Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) góp phần thiết thực cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; quan trọng nhất là giúp các xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Những ngôi nhà tạm dần được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, chắc chắn.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang khẳng định, những kết quả của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang thời gian qua là thành quả của sự kết nối. Hội Chữ thập đỏ thực sự đã trở thành cầu nối tin cậy giữa chủ trương của cấp ủy Đảng, chính quyền; mong muốn của đối tác, nhà tài trợ và nguyện vọng của nhân dân. Những hoạt động tích cực của các cấp Hội trong tỉnh đã giúp nhiều hộ gia đình "biến giấc mơ thành hiện thực".

Trạm, điểm sơ cấp cứu – góp phần bảo vệ sức khỏe người dân

Chú thích ảnhChủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Kiên Giang Lưu Kim Oai tặng quà cho bà Trương Thị Lệ. Ảnh: TTXVN phát

Xác định vai trò quan trọng của hoạt động sơ cấp cứu đối với người gặp tai nạn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang đã đề xuất thành lập, triển khai mạnh mẽ mô hình các trạm, điểm sơ cấp cứu. Đến nay, Bắc Giang trở thành địa phương có nhiều trạm, điểm sơ cấp cứu đạt chuẩn và hoạt động hiệu quả nhất cả nước.

Bà Lê Thị Duyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang cho biết, hằng năm, tỉnh Bắc Giang xảy ra khoảng 300 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 100 người tử vong và khoảng hơn 200 người bị thương. Khi tai nạn xảy ra, việc sơ cứu kịp thời (trong khoảng thời gian vàng 4 phút) và đúng cách ngay tại hiện trường đóng vai trò quan trọng trong cứu sống, giảm thiểu di chứng cho nạn nhân; giúp nhanh chóng hồi phục; giảm thiệt hại về kinh tế, gánh nặng về chi phí điều trị cho người gặp nạn.

Tuy nhiên, đa số người dân khi gặp một vụ tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông thường chưa biết cách tiếp cận, đánh giá tình trạng của nạn nhân để xử trí, sơ cứu tại chỗ, chỉ quan tâm đến việc đưa nạn nhân đến cơ sở y tế cấp cứu bằng phương tiện sẵn có như xe máy, xe ba gác, ô tô không chuyên dụng…, dẫn đến nhiều trường hợp nạn nhân bị tử vong trước khi đến bệnh viện hoặc tàn phế suốt đời.

Từ thực tế trên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang đề xuất thành lập các trạm, điểm sơ cấp cứu theo chuẩn của Thông tư số 17/2014/TT-BYT của Bộ Y tế và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành y tế, nhất là các tình nguyện viên.

Hiện cả nước có gần 530 trạm, điểm ơ cấp cứu chữ thập đỏ đạt chuẩn, trong đó tỉnh Bắc Giang có 159 trạm, điểm sơ cấp cứu (1 trạm và 158 điểm) đạt chuẩn, được Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cấp giấy phép hoạt động. Các điểm sơ cấp cứu được đặt tại nhà tình nguyện viên có vị trí gần nơi giao cắt các trục đường giao thông; gần trường học hoặc khu công nghiệp, nơi có mật độ dân số hoặc tham gia giao thông cao, hay xảy ra tai nạn giao thông.

Với thông điệp "Sơ cấp cứu là một hành động nhân đạo", tỉnh Hội đã làm tốt công tác vận động, thuyết phục, kêu gọi các tấm lòng nhân đạo, thiện nguyện, sẵn sàng mang thời gian, công sức, trí tuệ, vật lực tham gia, đặt các điểm sơ cấp cứu tại nhà mình và thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu cho người dân.

Nhiệm kỳ 2016-2021, đội ngũ tình nguyện viên đã sơ cấp cứu hơn 900 vụ tai nạn, với hơn 5.300 nạn nhân được sơ cứu kịp thời, bảo vệ sự sống và hỗ trợ đưa đến các cơ sở y tế an toàn để điều trị. Qua đó, giảm thiểu gánh nặng cho ngành y tế, các gia đình và xã hội.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang cho biết, có được những kết quả trên, tỉnh Hội đã chú trọng đầu tư đào tạo đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên và tình nguyện viên sơ cấp cứu; thường xuyên đầu tư trang thiết bị cho các điểm sơ cấp cứu. Đặc biệt, trong 13 năm liên tiếp (2009-2022), tỉnh Hội đều đặn tổ chức Hội thi kỹ thuật sơ cấp cứu cho tình nguyện viên, được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đánh giá cao và nêu điển hình trong toàn quốc.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 800 tình nguyện viên làm việc tại các trạm điểm, trên tinh thần tự nguyện, không có phụ cấp, hàng ngày họ vẫn phải mưu sinh lo cuộc sống nên có biến động về số lượng. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang đã đề xuất, thuyết minh và được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hơn 300 triệu đồng/năm để duy trì hoạt động của các trạm, điểm sơ cấp cứu trong toàn tỉnh.

Kinh phí được sử dụng để trang bị, thành lập mới các trạm, điểm; tập huấn kỹ thuật và cấp giấy chứng nhận cho lực lượng tình nguyện viên; bổ sung vật tư y tế tiêu hao (như bông, băng, cồn, gạc, găng tay, nước muối sinh lý, thuốc sát trùng, nẹp cố định xương gẫy, cáng, túi cứu thương, biển báo, cờ chữ thập đỏ...).

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang Lê Thị Duyên mong muốn, trong thời gian tới, tỉnh Hội có thể thành lập được Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu, mang đến kiến thức, kỹ năng cho người dân tại địa phương; tiến tới có thể thực hiện các hoạt động đào tạo sơ cấp cứu dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo trong trường học, các khu công nghiệp; tổ chức các buổi diễn tập với quy mô lớn về sơ cấp cứu để ứng phó với các trường hợp thiên tai, đại dịch hoặc sự cố nghiêm trọng xảy ra.

Nguồn bài viết