Các diễn giả đã đưa ra nhiều hướng đi về AI cho các bạn trẻ tại sự kiện The Future of Now. AI sẽ là ngành phát triển bùng nổ trong tương lại - Ảnh: VŨ THỦY
Thông tin về mức lương ngành AI được các chuyên gia thảo luận tại sự kiện công nghệ AI tại TP.HCM mang tên "The Future of Now" đã làm nóng bầu không khí của sự kiện, với cả ngàn người tham dự phần lớn là sinh viên ngành công nghệ thông tin.
Chờ khai phá
Hiếm có sự kiện nào mà các bạn trẻ chen chân nghẽn cả lối vào, chứng tỏ sức nóng của ngành AI đang thu hút rất nhiều người trẻ.
Ông Đặng Trần Thái - giám đốc Natural Language Processing, VinBigData - đánh giá rằng nền AI Việt Nam vẫn còn non trẻ và đang trong giai đoạn phát triển nhưng không quá chênh lệch và vẫn còn cơ hội bắt kịp thế giới.
"Khác với các ngành khoa học cơ bản như toán, hóa, sinh thì nguồn tri thức trong lĩnh vực AI đang rất rộng mở và dễ dàng tiếp cận. Đồng thời thị trường Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng về ứng dụng AI.
Chúng ta có data của người Việt, có bài toán riêng cho thị trường Việt Nam đồng thời nhu cầu sử dụng AI để thúc đẩy kinh doanh, sản xuất ngày càng cao. Nhu cầu này trở thành động lực để phát triển AI", ông Thái cho biết.
Các chuyên gia công nghệ nhận định Việt Nam có nhiều lợi thế về nhân lực lẫn thị trường dành cho AI và đang chờ được khai phá, trong đó nhân lực là vấn đề cốt lõi. "Về nhân lực, Việt Nam có một đội ngũ kỹ sư giỏi với không ít các chuyên gia đầu ngành đang làm việc ở Mỹ, châu Âu. Đồng thời nhu cầu ứng dụng AI trong các doanh nghiệp đang rất lớn.
Nhân lực có, thị trường có. Tuy nhiên vấn đề là nếu không áp dụng được thì không tạo ra được giá trị", ông Lê Duy Nghiêm - phụ trách lĩnh vực Data & Analytics, Heineken Việt Nam - đánh giá. Ông dẫn chứng hiện nay Heineken Việt Nam có không dưới 100 nhu cầu ứng dụng AI với giá trị trên 1.000 tỉ đồng trong ba năm tới.
Lộ trình phát triển sự nghiệp nhân sự ngành AI
Đánh giá về nguồn nhân lực AI tại Việt Nam, ông Øyvind Forsbak - giám đốc công nghệ (CTO) của Orient Software - cho biết hiện nay cung không đủ cầu. "Nhu cầu nhân lực AI rất khan hiếm không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Hiện nay các trường đại học tại Việt Nam vẫn chưa có các ngành đào tạo chuyên sâu về AI.
Đã có các công ty có những khóa training nội bộ như Vin, FPT... Nếu có các khóa học riêng dành cho các bạn trẻ đam mê lĩnh vực này thì tương lai cho phát triển AI sẽ rộng mở hơn và cơ hội cho các bạn trẻ nhiều hơn", ông Forsbak nêu.
Bà Đỗ Thị Ngọc Liên - đại diện của Navigos Search South - cũng cho biết hiện nay nhiều công ty tại Việt Nam đang có nhu cầu tìm kiếm và đào tạo kỹ sư AI. Về lộ trình, bà cho biết các kỹ sư ngành AI có thể chọn đi theo các hướng chuyên sâu về data science (khoa học dữ liệu), xử lý hình ảnh, ngôn ngữ hoặc phát triển chuyên sâu về robotics (tự động)...
"Tới thời điểm này, có thể thấy AI ứng dụng khá phổ biến các ngành như ngân hàng, tài chính, dịch vụ, sản xuất, y tế... Các bạn trẻ cần chủ động tìm kiếm tham gia vào các lab (phòng nghiên cứu) về AI tại các trường đại học, tìm kiếm các dự án AI tại các công ty để thực tập, làm việc.
Khi trải nghiệm làm việc thực tế, các bạn trẻ có thể xác định một hướng đi cho mình, chọn một lĩnh vực có big data (dữ liệu lớn) để có thể đưa ra nhiều giải pháp, ứng dụng", bà Liên tư vấn.
Để theo đuổi chuyên môn về AI, ông Đặng Trần Thái - đại diện của VinBigData - cho biết trước hết các bạn trẻ cần học theo chiều sâu, tức là học kiến thức cơ bản về toán thống kê, xử lý hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên..., đồng thời phải học theo chiều rộng.
"Nếu bạn làm về chuyên ngành xử lý ngôn ngữ tự nhiên thì không có nghĩa là không tìm hiểu về xử lý hình ảnh, data science hay kiến thức học máy chung. Học theo chiều rộng giúp bạn hình thành khả năng liên tưởng, khả năng vận dụng, giúp bạn đưa ra các giải pháp đa dạng và sáng tạo, chẳng hạn như đưa xử lý ảnh vào trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên...
Đồng thời cần trau dồi ngoại ngữ để cập nhật thông tin và tự học do kiến thức lĩnh vực này thay đổi rất nhanh. Kỹ năng tôi đánh giá cao là tư duy logic để phân tích, tổng hợp vấn đề, nghĩa là đứng trước một bài toán thực tế thì có thể kết nối với kiến thức nền để giải bài toán đó", ông Thái diễn giải thêm.
Ông Vũ Tự Cường - đại diện FPT Software - cho biết để làm việc trong lĩnh vực AI thì "cần phải đi hai chân".
Nghĩa là trong lộ trình phát triển, ngoài hướng đi về kỹ thuật như dữ liệu, xử lý hình ảnh, ngôn ngữ... thì cũng cần hướng đi khác về ngành nghề như ngân hàng (banking), sản xuất (manufacturing). Người xuất phát điểm về kỹ thuật có thể bổ sung kiến thức về kinh doanh, tài chính, ngân hàng...
Hoặc ngược lại, người có chuyên môn về kinh doanh sẽ biết cần giải quyết các bài toán gì thì sẽ bổ sung các giải pháp công nghệ để giải quyết.
Kỹ năng cần cho nghề nghiệp về AI
Tại sự kiện, các chuyên gia đã nêu ra các điều kiện về kỹ năng chuyên môn cần cho nghề AI bao gồm: vững về toán học, truy vấn dữ liệu SQL, phân tích - lập trình ML với Python Pandas, trực quan dữ liệu với Power BI hoặc Tableau. Các kỹ năng mềm cho nghề nghiệp này bao gồm: vững về toán học, có tư duy phân tích, kỹ năng xử lý vấn đề, thông thạo ngoại ngữ.