Việc nâng cao kỹ năng cho chính trẻ em và người chăm sóc trẻ là một trong những vấn đề cốt lõi cần thực hiện để kiểm soát và kéo giảm tình trạng đuối nước, đặc biệt là đuối nước trẻ em.
Kỹ năng bơi an toàn - "Vaccine phòng, chống đuối nước"
Theo số liệu thống kê, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021 đã có 138 trẻ em bị đuối nước được báo chí phản ánh, con số thực tế của tình trạng này có thể còn cao hơn. Đuối nước được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để kéo giảm tình trạng đuối nước trẻ em trong những năm qua nhưng ước tính, mỗi năm, Việt Nam vẫn có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước.
Nhìn lại các vụ tai nạn đuối nước trẻ em trong thời gian vừa qua có thể thấy, cha mẹ, gia đình chưa hoàn toàn sát sao, quan tâm tới các hoạt động vui chơi của trẻ trong những ngày nghỉ hè hoặc nghỉ phòng, chống dịch COVID-19. Nhận thức của phụ huynh và cộng đồng về nguy cơ tai nạn đuối nước còn hạn chế. Bên cạnh đó nhiều trẻ em chưa được cung cấp kiến thức về phòng, chống đuối nước và trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước ở trẻ em.
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam, kiến thức và kỹ năng để phòng, chống đuối nước giống như một thứ vaccine giúp Việt Nam có thể kiểm soát, kéo giảm tình trạng đuối nước, trong đó có tử vong do đuối nước, đặc biệt là ở trẻ em. Biện pháp tăng cường kiến thức và kỹ năng cho người dân được coi là quan trọng nhất. Bởi lẽ khi được trang bị các kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; các kiến thức kỹ năng để bơi an toàn, phòng tránh các nguy cơ đuối nước trong thiên tai, thảm họa bão lũ thì trẻ sẽ nhận thức được các nơi nguy hiểm, biết cách xử lý trước các tình huống có thể gây đuối nước xảy ra…
Tăng cường giám sát, xây dựng môi trường sống an toàn
Trong thời gian qua, nhận thức của nhiều phụ huynh, gia đình đã được nâng cao thông qua việc cho con đi học bơi dịp hè bên cạnh việc học thêm các kiến thức khác. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hoa Nam, nhận thức của nhiều người vẫn còn chậm trong việc tạo ra một môi trường sống an toàn và tăng cường giám sát con em, trong khi đây là những biện pháp rất cần thiết giúp phòng tránh từ xa các tai nạn thương tích nói chung và đuối nước nói riêng cho trẻ em.
Cha mẹ cần rà soát để khắc phục, loại bỏ các nguy cơ có thể gây tai nạn cho trẻ trong gia đình, có các biện pháp chắn, đậy, khóa cửa… để trẻ em không thể tiếp cận dễ dàng những nơi nguy hiểm. Các cấp chính quyền cần trực tiếp tham gia khảo sát môi trường sống tại địa phương; phát hiện, thiết lập hệ thống biển báo, rào chắn, phân công người cảnh giới, giám sát những vị trí, vùng nước nguy hiểm có thể gây đuối nước, ông Nam nêu quan điểm.
Cục trưởng Cục Trẻ em cũng cho rằng, cần thiết phải nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, đặc biệt là các nhà quản lý, có vai trò đầu tư, phân bổ ngân sách cho việc phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung và đuối nước trẻ em nói riêng.
Phòng, chống đuối nước trẻ em không cần quá nhiều kinh phí nhưng cần có sự đầu tư từ kinh phí nhà nước ở các cấp địa phương. Thông qua thực hiện dự án “Phòng, chống đuối nước trẻ em”, Cục Trẻ em ước tính tổng chi phí để một trẻ em được trang bị những kỹ tối thiểu nhằm đảm bảo an toàn trong môi trường nước vào khoảng 30 USD (tương đương gần 700.000 đồng). Chi phí này không quá lớn đối với nguồn ngân sách của chính quyền địa phương, kể cả những tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách (tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn), ông Nam chia sẻ.
Tiếp tục phát huy các giải pháp
Trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống khung pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; nhiều chương trình quy mô quốc gia cũng được ban hành để thực hiện các biện pháp, giải pháp khác nhau nhằm kéo giảm tình trạng đuối nước ở trẻ em. Mới đây nhất, ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030 với mục tiêu giảm 20% trẻ em tử vong do đuối nước; 70% trẻ em biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước và 60% trẻ em biết bơi an toàn vào năm 2030.
Để có thể kéo giảm tình trạng đuối nước trẻ em trong giai đoạn sắp tới, theo ông Đặng Hoa Nam, Việt Nam cần tiếp tục có những biện pháp, giải pháp tốt hơn để lồng ghép phòng, chống đuối nước trong các quy trình, biện pháp về phòng ngừa biến đổi khí hậu, bão lũ; đặc biệt quan tâm đến những đối tượng là trẻ nhỏ, người khuyết tật để có biện pháp bảo vệ họ tốt hơn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì các bài học kinh nghiệm và đầu tư để tăng cường các can thiệp liên quan đến phòng, chống đuối nước trẻ em; tiếp tục huy động sự đóng góp từ phía xã hội để giải quyết bài toán phổ cập bơi, phổ cập kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho người dân…
Tai nạn đuối nước trẻ em là nỗi ám ảnh với nhiều gia đình nhưng để giảm thiểu nỗi đau ấy rất cần mỗi gia đình, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước để bảo vệ trẻ em. Sự quan tâm, giám sát của các bậc phụ huynh; những hành động cụ thể, có trách nhiệm của các cấp chính quyền và cộng đồng sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ để loại bỏ các nguy cơ đuối nước cho trẻ em, giúp trẻ có điều kiện sống và phát triển an toàn.