Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng Bình Phước: Đất thép nở hoa

2 năm trước 395
Chú thích ảnh Thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. 

Từ vùng đất mang trên mình nhiều thương tích bom đạn

Theo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi, do yêu cầu chiến trường, năm 1962 Trung ương Cục quyết định sáp nhập tỉnh Bình Long, Phước Long và Lâm Đồng thành Khu 10. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Khu 10 đã kiên cường cùng với quân dân cả nước đập tan chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ" và "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngày 30/1/1971, Trung ương Cục ra Nghị quyết giải thể Khu 10, sáp nhập hai tỉnh Bình Long và Phước Long, thành lập tỉnh Bình Phước.

Ngày 23/3/1975, trung tâm tỉnh lỵ Bình Long, nơi đặt bộ máy chính quyền đầu não của Mỹ - Ngụy sụp đổ toàn diện, Bình Phước được giải phóng. Sự kiện này đã đánh dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh của dân và quân Bình Phước cùng với cả nước làm nên cuộc tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 23/3 trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước.

Sau kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, ngày 2/7/1976 tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định thành lập tỉnh Sông Bé.

Năm 1997, tỉnh Sông Bé chia tách địa giới hành chính thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Khi mới tái lập, Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo của cả nước; đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, GDP bình quân đầu người chỉ đạt gần 180 USD; cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, cán bộ các ngành ở tỉnh thiếu trầm trọng. Kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp chiếm hơn 70%, còn công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhỏ bé; cơ sở hạ tầng thấp kém, chưa đồng bộ; di dân tự do ngày càng đông, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 20% với trình độ dân trí còn thấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - Huỳnh Anh Minh cho biết, từ một tỉnh có quy mô kinh tế chỉ 1.200 tỷ vào năm 1997, đến năm 2021 đã tăng lên hơn 77.800 tỷ đồng. Giai đoạn này cơ cấu nền kinh tế với nông - lâm nghiệp là chủ đạo, chiếm 71,6%, đến nay nông - lâm nghiệp đã giảm xuống còn 23,3%; tỷ trọng ngành công nghiệp từ chỗ chỉ chiếm 3%, đến nay đã chiếm 42,3%; thu nhập bình quân đầu người từ 2,6 triệu đã tăng lên 76 triệu đồng/người/năm.

"Nếu như thu ngân sách toàn tỉnh năm 1997 chỉ đạt 172 tỷ đồng thì năm 2021 Bình Phước đã thu đạt gần 13.700 tỷ đồng, gấp gần 80 lần; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng hơn 100 lần; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 175 lần", ông Minh thông tin.

Vùng "dự trữ phát triển" của Đông Nam Bộ

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – Trần Tuệ Hiền cho biết là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh của khu vực phía Nam và cả nước. Tỉnh có diện tích 6.877 km2; dân số gần 1 triệu người, đang trong thời kỳ "dân số vàng" với khoảng 600 ngàn người trong độ tuổi lao động; nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước khoảng 80 km.

Bình Phước có hạ tầng giao thông tương đối thuận lợi, kết nối với Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam Bộ thông qua Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, đường ĐT 741 đã được đầu tư hoàn chỉnh với quy mô từ 6 đến 8 làn xe rất thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha và 8 cụm công nghiệp với diện tích 380 ha; trong đó, có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Bình Phước mở rộng 3 khu công nghiệp. Dự kiến đến năm 2030, Bình Phước sẽ tiếp tục quy hoạch mới và mở rộng một số khu công nghiệp với diện tích khoảng 9.300 ha.

Bên cạnh đó, Bình Phước có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, giáp với Vương quốc Campuchia, giao thông thuận lợi kết nối với Lào và Thái Lan với tổng diện tích trên 28.300 ha, trong đó, trên 3.500 ha khu trung tâm đã đưa vào hoạt động.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước vào ngày 20/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá Bình Phước là địa bàn chiến lược quan trọng, kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, có 260 km đường biên giới với Vương quốc Campuchia.

Tỉnh có địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ, là "thủ phủ" của cây cao su và điều; khí hậu hiền hòa và gần như không có bão lụt. Bình Phước là tỉnh có đủ điều kiện để phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, có lợi thế để phát triển cả công nghiệp và nông nghiệp, các dịch vụ đi theo, năng lượng sạch.

"Trải qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Phước đã đạt nhiều kết quả nhất định, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng GRDP năm 2021 đứng thứ nhất vùng Đông Nam Bộ và thứ 20 cả nước, đây là những cố gắng lớn của tỉnh", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.

Đất thép đang nở hoa

Tại hội thảo "Bình Phước 25 năm hành trình khát vọng vươn lên" do UBND tỉnh Bình Phước tổ chức vào tháng 1/2022 vừa qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, được thừa hưởng sự lan tỏa phát triển mạnh mẽ và có khả năng tạo cộng hưởng động lực phát triển với cả vùng.

Chú thích ảnh Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (Bình Phước).

"Bình Phước là trung tâm kết nối Tây Nguyên – Tây Nam Bộ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi có cảng trung chuyển quốc tế hàng không và hàng hải, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, đầu tàu. Bình Phước nằm trên hành lang Đông – Tây kết nối vùng Tây Bắc SAEAN có tiềm năng phát triển rất lớn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định và cho rằng "so với một số tỉnh, thành trong vùng thì Bình Phước có lợi thế của "người đi sau". Điều này giúp tỉnh có thể tận dụng tối đa thị trường đã được "chuẩn bị sẵn", kinh nghiệm phát triển và các nguồn lực khác như cảng trung chuyển quốc tế, các tuyến giao thông kết nối, lực lượng doanh nghiệp".

Tại "Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Phước và định hướng chiến lược năm 2030 tầm nhìn 2050, kế hoạch và chương trình hành động giai đoạn 2020 - 2025", nhóm các chuyên gia kinh tế Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng Bình Phước đang và sẽ có những cơ hội xen lẫn thách thức trong hiện tại và tương lai.

Theo nhóm chuyên gia kinh tế Đại học Fulbright, ở thời điểm hiện tại, khi các hoạt động kinh tế vùng Thành phố Hồ Chí Minh đang được lan tỏa và mở rộng, cơ hội bắt đầu lan đến các địa phương có kết nối xa hơn. Bình Phước, nơi cửa ngõ kết nối trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Tây Nguyên bắt đầu có những điều kiện phát triển, các cơ hội đã rõ ràng hơn.

"Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn trong các thập niên tiếp theo. Trong khi Bình Phước ở vị trí ít bị tác động nên sẽ có điều kiện, cơ hội trở thành trung tâm hay động lực phát triển của cả vùng trong một vài thập niên tới", nhóm chuyên gia kinh tế Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.

Nguồn bài viết