Kỳ 3: Cảnh sát Mỹ chặt bỏ vòi bạch tuộc MS-13

2 năm trước 214
 Cảnh sát Mỹ chặt bỏ vòi bạch tuộc MS-13 - Ảnh 1.

Các thành viên MS-13 trong nhà tù ở El Salvador - Ảnh: JAN SOCHOR - GETTY IMAGES

Hãy lên tiếng

Sau khi nhóm MS-13 cướp một tiệm làm đẹp ở Houston vào tháng 1-2008, nhân tiện chúng cũng tấn công tình dục một nhân viên của tiệm. Trước khi rời đi, một tên chụp ảnh chủ tiệm và dọa: "Nếu báo cảnh sát, cô sẽ rất hối tiếc". Chúng yêu cầu tiệm phải trả 100 USD một tuần để được "bảo vệ".

Cướp bóc và thu tiền bảo kê là thủ đoạn và doanh thu chính của MS-13. Thông thường, các nạn nhân chọn im lặng và nộp tiền bảo kê vì sợ sự trả thù tàn khốc của chúng. Ở Mỹ Latin, việc thu tiền bảo kê rất phổ biến. Tại Guatemala, tiền bảo kê riêng với dịch vụ xe buýt có thể mang về cho các băng đảng đường phố 70 triệu USD/năm - báo cáo năm 2019 của InSight Crime.

Theo cảnh sát, nạn nhân sẽ phải nộp từ 10 - 40% tổng thu nhập từ việc kinh doanh. Tỉ lệ phần trăm này dựa trên ranh giới mong manh do băng nhóm đưa ra để tối đa số tiền thu về mà nạn nhân thì vẫn có thể gồng gánh "sưu cao thuế nặng".

Tại El Salvador, từ lời khai của các nạn nhân, nhà chức trách ước tính nhóm Fulton Locos, một nhóm MS-13 quyền lực, có thể kiếm từ 15.000 - 17.000 USD mỗi tháng, hầu hết là tiền bảo kê. Giả sử tất cả nhóm đều giống nhau, với 249 băng đảng ở El Salvador, số tiền này có thể lên đến gần 45 triệu USD/năm.

Trở lại vụ cướp ở Houston, một tuần sau vụ cướp, người chủ tiệm từ chối trả tiền bảo kê, hai tay giang hồ lái xe qua tiệm, nã 17 phát đạn vào cửa trước. Những chiếc xe đậu bên đường trước tiệm cũng bị vạ lây.

Nhờ băng giám sát và sự hợp tác của chủ tiệm, cảnh sát không mất nhiều thời gian để tóm gọn các thành viên băng nhóm manh động này. Tổng cộng, 7 người bị bắt, 7 khẩu súng bị tịch thu. Các tên này phải đối mặt với cáo buộc của tiểu bang và liên bang về tội cướp tài sản và sẽ lãnh án tù dài hạn ở Texas.

FBI ca ngợi hành động can đảm của chủ tiệm: "Đây là bằng chứng cho thấy các nạn nhân của tội phạm không nên chịu đựng trong im lặng". Người chủ tiệm cũng được FBI bảo vệ. Sau vụ việc, nhiều nạn nhân bị MS-13 tống tiền khác ở Houston đã lên tiếng.

 Cảnh sát Mỹ chặt bỏ vòi bạch tuộc MS-13 - Ảnh 2.

Đặc vụ Mỹ áp tải thành viên MS-13 ở Brentwood, New York - Ảnh: JOHN MOORE / GETTY IMAGES

Các giải pháp đồng bộ

Steve Levy, cựu lãnh đạo hạt Suffolk, Long Island, bang New York, cho biết ông bắt đầu nhận thấy tình trạng bạo lực băng đảng gia tăng ở một nửa địa phận Long Island từ năm 2009. Để kiểm soát tình hình, ông tổ chức đội đặc nhiệm gồm cảnh sát hạt Suffolk và cảnh sát liên bang. Ông Levy cho biết sự phối hợp này mang lại lợi ích lớn và tạo ra sức mạnh tổng hợp mới. Cảnh sát địa phương có thông tin cụ thể về từng tên tội phạm, từng vụ việc. Các thông tin này được chia sẻ với liên bang - nơi có các nguồn lực và thẩm quyền mà cảnh sát địa phương không có.

Theo ông Levy, ảnh hưởng của MS-13 trong khu vực "có giảm đi đáng kể". Ông hy vọng việc hợp tác giữa cảnh sát địa phương và liên bang được thực hiện ở tất cả các cộng đồng. Ngoài ra, cần có cơ sở dữ liệu về các thành viên băng đảng và tiền án tiền sự của từng tên. Bang California đã thành lập cơ sở dữ liệu như vậy của tiểu bang, gọi là CalGang, từ khoảng năm 2007. Cảnh sát có thể truy cập để nhanh chóng tìm ra lý lịch các thành viên băng đảng và các đặc điểm nổi bật của mỗi người như hình xăm, đồng phạm và cách thức hoạt động...

Cảnh sát cũng không phủ nhận vai trò của các can thiệp xã hội. Khi ra trả lời trước Ủy ban an ninh nội địa và các vấn đề chính phủ của Thượng viện vào tháng 5-2017, trưởng cảnh sát hạt Montgomery J. Thomas Manger nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm việc với các cộng đồng người di cư để loại bỏ tội phạm do băng đảng MS-13.

Manger nói: "Nếu không có sự hợp tác của những người nhập cư không phạm tội, chúng tôi sẽ không bao giờ có thể tìm ra và bắt giữ những tên tội phạm MS-13. Khi những nạn nhân và nhân chứng đó lo bị cảnh sát trục xuất, họ sẽ ngừng hợp tác với cảnh sát. Khi đó, chúng tôi không nhận được thông tin hoặc thông tin tình báo về MS-13 ngay cả khi những thành viên vô tội trong cộng đồng là nạn nhân của chúng".

Nhiều người đồng tình với quan điểm này do MS-13 nổi tiếng tuyển thành viên là những thanh thiếu niên ở độ tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông, chủ yếu ở các cộng đồng nhập cư, độ tuổi tuyển dụng trung bình là 13 hoặc 14 tuổi. Đến 16 tuổi, một số thành viên băng đảng đã ra lệnh giết người.

Giám sát mạng xã hội cũng là một phương pháp mới chống lại tội phạm. Cảnh sát Manger cho biết mạng xã hội đã trở thành phương tiện "để các thành viên băng đảng nhắm vào đối thủ của mình, tuyển thành viên, liên lạc với nhau cũng như cản trở các nỗ lực thực thi pháp luật chống lại họ". Một đội cảnh sát mạng chuyên theo dõi tội phạm là rất cần thiết, nhất là khi có một số tên thích huênh hoang khoe chiến tích.

Cảnh sát Mỹ thường tìm cách thu thập càng nhiều càng tốt thông tin tình báo về băng đảng (có thể từ những thành viên muốn hoàn lương). Họ cần thông tin nội bộ rò rỉ ra về thành viên và kế hoạch của MS-13. Họ chỉ định cảnh sát phụ trách theo dõi các thành viên cụ thể và thu thập bằng chứng cho việc truy tố về sau. New York Post đăng lời kể của một cựu thành viên MS-13 cho rằng cảnh sát cũng có những chiêu trò khiến MS-13 tự tiêu diệt lẫn nhau. Khi bắt được một tên, họ sẽ tiết lộ cho người này ai là kẻ chỉ điểm vì biết rõ băng đảng sẽ không tha thứ cho những kẻ phản bội (thông tin này không được xác thực).

Tuy nhiên, trong nhiều biện pháp để xóa bỏ MS-13, việc truy quét và trục xuất tội phạm vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Trong phỏng vấn với Đài phát thanh quốc gia Mỹ năm 2017, trưởng cảnh sát thành phố Houston, bang Texas khi đó là Art Acevedo cho rằng việc trục xuất thành viên MS-13 khỏi nước Mỹ rất không ăn thua, giống như bắt cóc bỏ dĩa. Ông dẫn chứng trường hợp một thanh niên người Guatemala sống ở bang Virginia bị trục xuất. Thế rồi sau đó, cảnh sát phát hiện người này chết ở San Antonio, Texas - điều này có nghĩa là bằng cách nào đó, những tên tội phạm bị Mỹ trục xuất vẫn trở lại nước Mỹ.

Nhiều ý kiến cho rằng dùng sức mạnh của lực lượng thực thi công lực để truy quét, xử tù, trục xuất MS-13 sẽ không thành công về lâu dài, mà tài trợ cho các chương trình can thiệp xã hội và giáo dục cho người di cư, như các chương trình can thiệp sớm cho trẻ em sẽ có hiệu quả hơn.

Trong cuốn sách Gangs in Garden City (tạm dịch: Tội phạm trong thành phố) xuất bản năm 2009 về các băng nhóm ở Long Island, nhà báo Sarah Garland viết: "Càng trục xuất nhiều thành viên MS-13 về Trung Mỹ, băng đảng này dường như càng lan rộng".

Bà truy lại lịch sử vào những năm 1990, cơ quan thực thi pháp luật liên bang đã tích cực truy quét tội phạm. Vì làn sóng trục xuất người nhập cư này, MS-13, băng nhóm ra đời ở Mỹ được xuất khẩu ra Trung Mỹ và hùng mạnh ở đó. Đến năm 2012, Chính phủ Mỹ xem MS-13 là "tổ chức tội phạm xuyên quốc gia".

Bài báo trên trang Business Insider cũng cho rằng chiến thuật mà Mỹ thực hiện là truy quét và trục xuất thật ra chỉ là giúp MS-13 mạnh lên. Khi trục xuất người nhập cư, bên có lợi nhất chính là MS-13.

Một là, băng đảng tại quê nhà sẽ "tróc nã" những người này vì từ Mỹ về, không ít thì nhiều họ cũng có ít tiền. Thứ hai, sau khi bị trục xuất, những thanh thiếu niên này sẽ bơ vơ và là mục tiêu để băng đảng kết nạp.

Chính quyền El Salvador cũng có nhiều nỗ lực kéo dài chống lại các băng đảng, pha trộn các chiến thuật cứng rắn kết hợp với thương lượng nhưng các băng nhóm vẫn hiện diện và hùng mạnh.

***************

Tuổi 12 ở El Salvador, Henry giết người đầu tiên bằng mã tấu - hoàn thành nghi thức làm thành viên MS-13. Nghi lễ này là chịu một trận "mưa đòn" của toàn băng đảng và sau đó: giết một người!

>> Kỳ tới: Sát thủ MS-13 hoàn lương

 Mỹ đau đầu với MS-13MS-13 - Băng đảng bị Tổng thống Mỹ thề loại bỏ - Kỳ 2: Mỹ đau đầu với MS-13

TTO - Những vụ án do MS-13 thực hiện có đặc điểm hung thủ thường rất trẻ, tầm 15 - 30 tuổi và ra tay cực kỳ tàn ác. Khi công lý được thực thi, những tên này thường phải đối mặt với những bản án cũng đều từ vài chục năm đến chung thân.

Nguồn bài viết