# Kịch bản tích cực cho VN-INDEX 2025: Hướng về 1400 điểm nhé
Thêm một phiên tích cực cho VN-INDEX vào ngày giáng sinh. Khối lượng đã tăng, biên độ tăng đã đều nhưng vẫn còn những điều chúng ta cần quan tâm.
Dưới đây là một số yếu tố cho thấy tiềm năng VN-INDEX có thể sẽ đạt 1400 điểm trong năm 2025:
## Yếu tố kỹ thuật: Ba tín hiệu tích cực
### Tín hiệu tích cực #1: Kênh giá tăng
Kênh giá tăng được duy trì từ cuối năm 2022 với nhiều sự kiện chấn động. Trong hai năm qua, Tôi chưa thấy VN-INDEX tạo một cái đáy thấp hơn đáy thứ hai tại vùng 1000 điểm được tạo vào đầu năm 2024. Đây là tín hiệu tích cực đầu tiên vì nó cho chúng ta ba cái đáy cao dần, cấu trúc cơ bản của một xu hướng tăng.
Điểm đáng chú ý là VN-INDEX chưa tạo được một cái Đỉnh cao dần đáng kể để xác nhận xu hướng. Việc này đến từ quá trình rút ròng hơn 95,200 tỷ từ khối ngoại.
Nhưng dù bị bán ròng như vậy, VN-INDEX đã duy trì lực cầu khá tốt xung quanh vùng giá 1200 điểm. Nếu Việt Nam không có nội lực kinh tế tốt, Tôi cho rằng VNINDEX đã thủng mất ngưỡng 1200 điểm và đang biến động ở ngưỡng 1000 điểm vì áp lực bán khủng khiếp từ khối ngoại rồi.
Ngoài ra, nếu bạn tinh ý bạn sẽ thấy có cụm Mô hình cực lớn ẩn sau biểu đồ khó chịu phía trên là Vai - Đầu - Vai ngược!
### Tín hiệu tích cực #2: Biến động trên trung bình động dài hạn
Trong suốt năm 2024, VN-INDEX theo một cách nào đó đã giữ vững được hỗ trợ bởi các đường MA trung và dài hạn. Trong hình phân tích, Tôi dùng MA50, 100 và 200. Cả ba lần tiếp cận đường MA100 VN-INDEX đều xuất hiện lực cầu bắt đáy bất ngờ và phục hồi ngay lập tức.
Đây có thể là điểm tích cực thứ hai mà chúng ta cần lưu tâm để vững tay giữ cổ.
### Tín hiệu tích cực #3: Stochastic tăng
Tín hiệu cuối cùng trên khung tuần chúng ta cần lưu tâm là Stochastic đang tăng và trong vùng tích cực phía trên ngưỡng 50.
Trong biểu đồ, Tôi dùng Stochastic(14,3,3) chúng ta cần chú ý khi lần thứ ba tiếp cận EMA100 đồng thời là lần thứ ba tiếp cận đường xu hướng tăng duy trì từ cuối 2022, Stochastic đã rơi vào trạng thái quá bán sau đó phục hồi.
Tín hiệu này cho thấy động lực bán dưới EMA100 và thúc đẩy phá vỡ EMA100 là hoàn toàn không có. Nếu có thì chúng ta nên nhận định đó là một pha Phá vỡ giả.
### Ba yếu tố cơ bản tích cực
#1 Cán cân thương mại Việt Nam đạt các kỷ lục:
**Xuất nhập khẩu tăng mạnh**: Tổng thương mại 11 tháng 715 tỷ USD, vượt mức thương mại năm 2023 (677 tỷ)
**Thặng dư thương mại lớn**: Với mức thặng dư 24,31 tỷ USD, đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Xuất siêu trong 11 tháng đã vượt mức 22,92 tỷ USD trong cả năm 2023, tăng hơn 6%
Đây là một trong các động lực lớn nhưng thực tế trong năm 2024 vừa qua thị trường chứng khoán gần như miễn nhiễm với các yếu tố tích cực đến từ xuất khẩu này. Ngành tăng trưởng nhiều và thể hiện rõ nhất là Cảng biển (PHP, DVP, CDN....)
#2 Tăng trưởng kinh tế có nhiều điểm sáng
Với các số liệu thống kê trong 11 tháng, GDP Việt Nam có khả năng tăng trưởng khoảng 7%. Là quốc gia có mức tăng trưởng mạnh nhất trong Top 6 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ 2023, góp phần hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng mạnh ở mức hai chữ số (14,4%).
Điều đáng khích lệ là thương mại ban đầu tích cực ở ngành điện tử rồi dần mở rộng, như xuất khẩu dệt may - giày dép tăng 16,7% trong quý III. Ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm ngoái một cách mạnh mẽ.
Thu hút dòng vốn nước ngoài cơ bản vẫn tích cực. Vốn FDI thực hiện 11 tháng ước đạt 21,68 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỉ USD.
#3 Lượng tài khoản chứng khoán tăng đều và mạnh mẽ
Kết thúc năm 2023, Việt Nam có 7,292,316 tài khoản chứng khoán. Tại thời điêm 30/11/2024, Tổng số tài khoản chứng khoán mở mới là 9,157,109. Tăng 1,864,793 tải khoản, tương ứng với mức tăng 25,55%.
Để thấy sự khác biệt về mức tăng và con số tăng phía trên là mức tăng mạnh nhất trong lịch sử 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam bạn có thể so sánh con số trên với số tài khoản chứng khoán ở thời điểm năm 2020. Nó bằng Tổng số tài khoản chứng khoán của cả năm 2020.
Cùng với thành tích này, Tỷ lệ dân số có tài khoản chứng khoán so với tổng dân số hiện đang ở mức 9,13%.
Điều này cho thấy nhu cầu đầu tư đang gia tăng và Việt Nam cần có những cơ chế, những sự quan tâm và thúc đẩy đặc biệt để đáp ứng kịp với thực tế thị trường vốn tại Việt Nam.
## Hai yếu tố cơ bản tiêu cực
### Tiêu cực#1: Xuất siêu mà khối ngoại rút ròng, vì sao thế?
Dù kết quả kinh tế tăng trưởng ấn tượng nhưng khối ngoại vẫn rút vốn ròng từ thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không phải là thị trường duy nhất bị rút. Malaysia, Indo, Thái... đều chịu chung số phận.
**Rút vốn khỏi thị trường mới nổi**: Các quỹ đầu tư rút tiền từ các thị trường như Việt Nam để quay lại thị trường lớn hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm. Trong năm 2024, khối ngoại rút ròng khoảng 95,200 tỷ VNĐ là mức rút kỷ lục so với mức 60,600 tỷ năm 2021. Đây có lẽ là tác nhân chính làm VN-INDEX đi ngang trong cả năm 2024.
**Tâm lý thị trường yếu**: Lo ngại về lãi suất, kinh tế suy thoái khiến nhà đầu tư bán mạnh để bảo toàn vốn.
**Đồng tiền mất giá**: Do USD mạnh lên, tỷ giá USDVND sụt giá sâu và mất giá khoảng hơn 5% ảnh hưởng tới hiệu suất đầu tư.
### Tiêu cực #2: Tại sao Tiền chưa vào Chứng khoán?
Một số lý do khiến dòng tiền chưa quay lại thị trường:
**Dòng tiền vào vàng**: Vàng tăng giá mạnh, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.
**Bất động sản nóng trở lại**: Lượng lớn vốn chuyển vào bất động sản, trong năm qua thị trường BĐS phân khúc căn hộ chung cư nổi sóng kéo theo xu hướng dòng tiền chảy vào lĩnh vực này
**Crypto tăng mạnh**: Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham gia đầu tư tiền mã hóa cao nhất thế giới, dòng tiền hiện tại vẫn đang chảy mạnh vào lĩnh vực này.
## Vậy phải làm gì!?
Nếu đang nắm giữ cổ phiếu, Tôi cho rằng nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và tiếp tục gia tăng tỷ trọng. Một số ngành được hưởng lợi từ kinh tế phát triển và Xuất khẩu hiệu quả sẽ bao gồm Đầu tư Công, Cảng biển, Logistic và Chứng khoán.
Năm 2024, Tôi kỳ vọng VN-INDEX vỡ ngưỡng kháng cự 1300 điểm để hướng tới mục tiêu 1350 và 1400 điểm.
Trong trường hợp có nhiều tín hiệu tích cực hơn và kinh tế duy trì đà tăng trưởng, VN-INDEX có thể hướng tới ngưỡng 1500 điểm.
Chúc bạn giao dịch thành công!