Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO - Ảnh: REUTERS
Ngày 16-5, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết "đa số (nghị sĩ) trong Quốc hội ủng hộ việc gia nhập NATO" sau cuộc tranh luận về chính sách an ninh.
"Chúng ta đang bước ra khỏi một kỷ nguyên và bắt đầu một kỷ nguyên mới", Hãng tin AFP dẫn lời bà Andersson nói và cho biết Thụy Điển sẽ "sớm" thông báo đến NATO trong vài ngày tới.
Trước đó, ngày 15-5, Phần Lan đã chính thức công bố ý định gia nhập NATO. Phần Lan và Thụy Điển được cho là chuẩn bị nộp đơn gia nhập liên minh quân sự NATO trong tuần này.
Phản ứng sau đó, tổng thư ký NATO viết trên Twitter rằng: "Thụy Điển là một trong những đối tác thân cận nhất của chúng ta và sự gia nhập của nước này sẽ củng cố an ninh của khu vực Euro - Đại Tây Dương cũng như của Thụy Điển trong giai đoạn quan trọng".
Anh cũng tuyên bố hoan nghênh Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO, cho rằng 2 quốc gia này nên được kết nạp "càng sớm càng tốt". "Anh cực kỳ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển tham gia NATO", Ngoại trưởng Anh Liz Truss nói.
Điện Élysée của Pháp thông báo sẽ "sát cánh" với 2 quốc gia Bắc Âu muốn tham gia NATO. "Những ai muốn thách thức sự đoàn kết của châu Âu bằng việc đe dọa hay tấn công chủ quyền của chúng tôi... phải hiểu rõ rằng Pháp sẽ sát cánh với Phần Lan và Thụy Điển", Hãng tin Reuters dẫn thông báo viết. Tương tự, Canada cho biết muốn NATO nhanh chóng kết nạp Thụy Điển và Phần Lan.
Tuy nhiên, con đường gia nhập NATO của 2 nước trên vấp phải trở ngại lớn là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc họp báo ngày 16-5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết Phần Lan và Thụy Điển không cần phải gửi phái đoàn đến Ankara để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ làm gì. "Chúng tôi sẽ không đồng ý cho những nước trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tổ chức an ninh NATO", ông Erdogan nói. Thụy Điển trước đó đã ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019 do hoạt động quân sự của nước này tại Syria.
Ông Erdogan cũng cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển không có thái độ rõ ràng với khủng bố, thậm chí gọi Thụy Điển là "lò ấp" cho các tổ chức khủng bố. "Làm sao chúng ta có thể tin tưởng họ?", ông nói.
Đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ cần sự đồng ý của tất cả 30 thành viên trong nhóm và quá trình phê duyệt có thể kéo dài đến 1 năm.
Ngày 16-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định tham gia NATO không phải là mối đe dọa trực tiếp với Nga, song cảnh báo việc khối này mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự trên lãnh thổ của hai nước trên sẽ buộc Matxcơva phải có phản ứng.