Kiên Giang: 99,9% dự án điện mặt trời trang trại là làm chui?

3 năm trước 798
 99,9% dự án điện mặt trời trang trại là làm chui? - Ảnh 1.

Lắp đặt tấm pin mặt trời áp mái trang trại ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: K.NAM

Đại biểu Trần Văn Mứng nêu câu hỏi: "Thời gian qua, các dự án điện năng lượng mặt trời nở rộ trên địa bàn tỉnh. Điều đáng quan tâm hiện nay là các dự án này lại lắp đặt trên đất nông nghiệp và các loại đất khác. Xin hỏi việc này có đúng quy định không? Sở Công thương, Công ty Điện lực Kiên Giang có kiểm tra các dự án này không?".

Ông Ngô Công Tước, giám đốc Sở Công thương Kiên Giang, khẳng định việc phát triển năng lượng mặt trời là đúng chủ trương của Chính phủ, nhằm tạo ra nguồn năng lượng điện bù đắp cho lượng điện thường xuyên thiếu hụt của quốc gia. Ngành công thương đang trình Bộ Công thương, Chính phủ bổ sung nguồn điện năng lượng mặt trời vào tổng sơ đồ phát triển điện VIII.

Thông tin về số dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn Kiên Giang, ông Tước cho hay hiện nay toàn tỉnh có 2.256 đồng hồ điện năng lượng mặt trời, tổng công suất 251MW. Công trình điện năng lượng mặt trời áp mái nhà có công suất 58MW.

Qua kiểm tra sơ bộ, tại 13 huyện, thị có 204 dự án điện năng lượng mặt trời áp mái công trình trang trại. Theo ông, đây mới là cái đáng quan tâm vì hiện nay toàn tỉnh chưa phê duyệt bất kỳ 1 dự án điện năng lượng mặt trời. 

Theo quy định, dự án điện năng lượng mặt trời có công suất từ 1MW trở lên phải được Bộ Công thương phê duyệt, dự án trên 50MW phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, có thể nói về tính pháp lý, 204 dự án nói trên đều chưa đúng thủ tục, các trang trại có lắp đặt điện năng lượng mặt trời đều là trá hình, sai quy định. Phải lưu ý đất sử dụng có đúng mục đích không, dự án có xin chủ trương đầu tư hay không...

Sở Công thương đã trình UBND tỉnh Kiên Giang thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm nông nghiệp, công thương, xây dựng... để rà soát toàn bộ các dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh. Vai trò của Công ty Điện lực Kiên Giang trong vấn đề này cần phải được làm rõ, vì sao chưa đủ thủ tục vẫn mua điện từ các trang trại, vẫn lắp đặt đồng hồ, vẫn trả tiền?

Qua tìm hiểu thực tế của PV Tuổi Trẻ Online, mức đầu tư cho 1MW điện năng lượng mặt trời tại Kiên Giang dao động từ 10-17 tỉ đồng, tùy theo tấm pin do Trung Quốc hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức sản xuất. Đơn vị cung cấp khá nhiều, từ viễn thông, điện lực cho tới một số công ty tư nhân. Chỉ cần có đất trống, bên bán tấm pin hứa sẽ lo mọi thủ tục, bao gồm cả liên hệ với các ngân hàng để thu xếp nguồn vốn.

 Phát triển điện mặt trời áp mái còn lúng túng, cần tránh trục lợi chính sáchPhó thủ tướng: Phát triển điện mặt trời áp mái còn lúng túng, cần tránh trục lợi chính sách

TTO - Sáng 12-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Nguồn bài viết