Nhiều người Úc cho biết họ bị đau khổ ở mức độ cao liên quan đến COVID-19 - Ảnh: abc.net.au
Những con số về khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở Úc rất đáng báo động. Cơ quan thống kê quốc gia của Úc cho biết cứ 3 người trong độ tuổi từ 18-34 có 1 người cho biết họ đã trải qua đau khổ ở mức độ cao trong tháng 6-2021. Dĩ nhiên, thống kê này chưa cho thấy hết ảnh hưởng của các đợt phong tỏa mới nhất ở Sydney.
Riêng bang New South Wales, tâm dịch ở Úc, số ca nhập viện cấp cứu với ý nghĩ tự hại hoặc tự tử ở thanh thiếu niên 12-17 tuổi trong năm nay tăng 49% so với năm 2019.
Ông Patrick McGworthy, giáo sư về sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên tại Đại học Melbourne, sử dụng cụm từ "đại dịch trong bóng tối" để mô tả tác động thứ cấp của COVID-19 đến sức khỏe tâm thần của người dân và giới trẻ ở Úc.
Ông cho rằng tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng tâm lý dù ở mức độ nghiêm trọng hay thoáng qua, và sẽ không tránh khỏi có những tác động lâu dài. Thách thức lớn mà Úc phải đối mặt là làm thế nào để quản lý những tác động tâm lý và cảm xúc do COVID-19, đặc biệt là ở người trẻ và người dễ bị tổn thương.
Họ bị mất cảm giác an toàn, phải đối mặt với nỗi sợ hãi về virus, mất mát rất nhiều thứ khác trong cuộc sống như nhu cầu tập thể dục, gặp gỡ người khác, thực hiện các vai trò xã hội, nghề nghiệp hoặc công việc…
Kênh Channel News Asia cho biết để giải quyết cuộc khủng hoảng thứ cấp về tâm lý tại Úc, nhiều phòng khám sức khỏe tâm thần đã được mở ra ở các vùng ngoại ô bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Sydney, nơi trạng thái phong tỏa phòng dịch COVID-19 đã bước sang tháng thứ ba.
Các phòng khám phục vụ người khám bệnh tất cả các độ tuổi và được thiết kế để cung cấp dịch vụ chăm sóc khẩn cấp cho những ai gặp khó khăn trong việc thích nghi với các biện pháp hạn chế để phòng dịch.
Chuyên gia nhận định khủng hoảng tâm lý, dù do đại dịch hay các vấn đề xã hội khác, là có thật và cần một chiến lược toàn cầu để giải quyết những tác động lâu dài của nó, đặc biệt là với giới trẻ.