Theo Reuters, các nhà sản xuất ô tô lớn bao gồm Volkswagen, Ford và General Motors đã buộc phải cắt giảm sản lượng khi thị trường chip bị các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh thâu tóm “hốt sạch hàng”, ở góc độ kinh doanh thì đây cũng là nhóm khách hàng ưa thích của ngành công nghiệp chip vì nhóm sản xuất điện tử tiêu dùng ưa thích mua chip tiên tiến hơn - thứ mang lại lợi nhuận biên cao hơn.
Sự thiếu hụt chất bán dẫn - hơn 800 USD silicon thường được dùng cho mỗi chiếc xe điện hiện đại - đã phơi bày sự thiếu kết dính giữa ngành công nghiệp ô tô vốn đã trì trệ nhiều thập kỷ qua trong khả năng giao hàng đúng hẹn và chuỗi cung ứng lớn của ngành công nghiệp điện tử, khiến giờ đây nó đã không còn được ưu ái giao cho các lô hàng bán dẫn nữa.
Ondrej Burkacky - một chuyên gia của đối tác McKinsey cho rằng, "lĩnh vực xe hơi vốn đã có thói quen được cưng chiều và mặc nhiên cho rằng toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ tập trung vào ô tô, họ quên rằng thực tế hiện nay các nhà sản xuất chất bán dẫn đã thực sự có nhóm khách hàng thay thế tốt hơn (so với ngành xe hơi)".
Các nhà sản xuất ô tô đang phải ứng phó với tình trạng thiếu hụt chip bằng cách vận động hành lang các chính phủ để trợ cấp cho việc xây dựng năng lực sản xuất chip nhiều hơn. Ví dụ, tại Đức, Volkswagen đã đổ lỗi cho các nhà cung ứng, họ cho biết đã cảnh báo ngay từ hồi tháng 4 năm ngoái khi nhiều nhà sản xuất xe hơi trên toàn cầu đang ở trạng thái nhàn rỗi do đại dịch Covid-19, lúc đó công ty này đã đưa ra dự báo nhu cầu xe hơi sẽ hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm.
Cáo buộc đó của nhà sản xuất xe hơi lớn thứ hai trên thế giới nhắm vào các nhà sản xuất chip - những công ty cho rằng ngành công nghiệp xe hơi đã vội vã hủy đơn hàng trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và giờ đây lại yêu cầu đối tác phải rót tiền đầu tư vào sản xuất chip khi thị trường hồi phục.
Một nguồn tin tại nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu châu Âu cho biết, “năm ngoái, chúng tôi đã phải cho nhân viên nghỉ luân phiên trong khi vẫn phải gánh hàng loạt khoản phí cho các dây chuyền nhàn rỗi vì các nhà sản xuất xe hơi đồng loạt vội vã hủy đơn hàng. Giờ đây, nếu các nhà sản xuất ô tô yêu cầu chúng tôi đầu tư mở rộng dây chuyền và công suất thì hãy cho chúng tôi biết ai sẽ trả tiền cho các dây chuyền nhàn rỗi trong các lần sụt giảm tiếp theo hay không?”.
Khách hàng có tỷ trọng công nghệ thấp
|
Theo nhà phân tích công nghệ Mirabaud Neil Campling, mỗi năm ngành công nghiệp ô tô chi khoảng 40 tỉ USD để mua chip trang bị cho các mẫu xe hơi của mình - chiếm khoảng 1/10 thị phần chip toàn cầu, con số này của toàn bộ ngành công nghiệp ô tô vẫn còn thấp hơn số tiền mà Apple bỏ ra để nhét chip vào iPhone của họ - chưa tính đến iPad và các nhà sản xuất Android khác.
Hơn nữa, các chip được sử dụng trong ô tô có xu hướng sử dụng cho các sản phẩm cơ bản vốn được sản xuất theo các dây chuyền và công nghệ cũ, không tận dụng được các công nghệ hàng đầu mà các nhà sản xuất chip đang và sẵn sàng đầu tư. Đại diện các nhà cung cấp - nhà phân tích Asif Anwar tại Strategy Analytics cho biết, "nếu chúng tôi tiếp tục sản xuất những thứ này, nếu các đối tác sản xuất ô tô hủy đơn thì sẽ không bán được cho ai, dây chuyền đó cũng không tận dụng được để sản xuất chip hiện đại hơn cho PlayStation 5 hay iPhone mới”.
Các nhà sản xuất chip tỏ ra rất ngạc nhiên trước phản ứng hoảng loạn của ngành công nghiệp ô tô Đức khi thuyết phục Bộ trưởng Kinh tế Đức là Peter Altmaier để ông viết cho đối tác bán dẫn của họ ở Đài Loan yêu cầu cung cấp nhiều chip hơn, rất tiếc là các yêu cầu đó dường như không được đáp ứng.
Gần sân nhà của ngành xe hơi Đức, một nguồn tin tại một nhà sản xuất chip châu Âu khác bày tỏ sự hoài nghi về sự hiểu biết kém của ngành công nghiệp xe hơi về bán dẫn, "chúng tôi nhận được một cuộc gọi từ một nhà sản xuất ô tô tỏ ra tuyệt vọng trong việc tìm kiếm nguồn cung bán dẫn. Họ hỏi chúng tôi vì sao không tăng ca đêm để tăng sản lượng? Có vẻ như họ không hề biết rằng lâu nay chúng tôi đã phải chạy hết công suất với cả ca làm đêm để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Khó thay đổi trong ngắn hạn
Cả Infineon, nhà cung cấp chip hàng đầu cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu và Robert Bosch, nhà cung cấp phụ tùng "cấp 1" hàng đầu, đều đang có kế hoạch vận hành các nhà máy chip mới trong năm nay, nên có thể việc thiếu hụt chip bán dẫn của ngành xe hơi có thể sẽ được khắc phục về dài hạn.
Nhưng các nhà sản xuất chip chuyên nghiệp như Infineon lại thuê các nhà thầu bên ngoài như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co Ltd (TSMC) để gia công chip xe hơi, trong khi hiện nay các nhà sản xuất bán dẫn này lại ưu tiên công suất cho các nhà sản xuất điện tử tiêu dùng cao cấp hơn để đáp ứng nhu cầu khan hiếm bán dẫn.
Do vậy, xét trong bối cảnh dài hạn, mối quan hệ giữa các nhà sản xuất chip và ngành công nghiệp xe hơi sẽ dần gần gũi hơn khi các xe điện hiện đại trong tương lai sử dụng các tính năng thông minh và tính năng tự lái đòi hỏi các chip tiên tiến hơn. Nhưng trong ngắn hạn, sẽ không có cách nào để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn. IHS Markit ước tính thời gian cần thiết để cung cấp vi điều khiển đã tăng gấp đôi lên 26 tuần và tình trạng thiếu hụt sẽ chạm đáy vào tháng 3 này.
Điều này thách thức khả năng sản xuất 1 triệu chiếc xe hạng nhẹ trong quý đầu tiên và các giám đốc điều hành cũng như các nhà phân tích hàng đầu của ngành công nghiệp xe hơi châu Âu đồng ý các nguồn cung sẽ bỏ rơi nhu cầu của ngành xe hơi, ít nhất cho tới cuối năm nay. Do vậy, nhà phân tích Anwar của Strategy Analytics dự báo sản lượng ô tô ở châu Âu và Bắc Mỹ sẽ giảm 5 - 10% vào năm 2021. Trong khi Jean-Marc Chery - lãnh đạo của nhà sản xuất chip Pháp - Ý STMicroelectronics cũng dự báo những hạn chế về công suất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà sản xuất ô tô cho đến giữa năm nay.