Phối cảnh nhà máy điện khí LNG Hải Lăng - Ảnh do nhà đầu tư cung cấp
Ngày 15-1, UBND tỉnh Quảng Trị cùng tổ hợp các nhà đầu tư đã tổ chức lễ khởi công hợp phần kỹ thuật dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều hy vọng cho giấc mơ thành trung tâm năng lượng tái tạo của Quảng Trị.
Dự án này có công suất 1.500MW, tổng vốn đầu tư gần 54.000 tỉ đồng (tương đương 2,32 tỉ USD). Vốn góp của tổ hợp nhà đầu tư để thực hiện dự án là 13.416 tỉ đồng, gồm: Tập đoàn T&T Group góp 40%, mỗi nhà đầu tư HANWHA, KOSPO, KOGAS góp 20%.
Ở giai đoạn 1 này, dự án thực hiện tại khu phức hợp năng lượng thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tại địa bàn xã Hải An và xã Hải Ba (huyện Hải Lăng), do tổ hợp nhà đầu tư gồm Tập đoàn T&T Group và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc HANWHA - KOSPO - KOGAS làm chủ đầu tư.
Dự án sẽ được triển khai trên diện tích 120ha, gồm Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở khí từ 170.000 - 226.000 mét khối, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn khí/năm) và Trung tâm Điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500MW).
Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.
Dự án này sẽ áp dụng công nghệ tuabin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao, khi vận hành sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỉ kWh/năm.
Ông Võ Văn Hưng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết việc thực hiện dự án sẽ từng bước góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.