Dòng vốn ngoại rút ròng ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: B.MAI
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch đầy gay cấn khi chỉ số VN-Index trong ba phiên liền đều giao dịch dưới mốc 1.000 điểm, sau đó dùng dằng và chốt tuần với mốc 1.027 điểm. Dù vậy, thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi dòng tiền đổ vào mua bán cổ phiếu tỏ ra khá thận trọng, áp lực chốt lời lớn.
Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đột biến hơn 3.555 tỉ đồng trên sàn chứng khoán trong một tuần nay. Diễn biến này trái ngược so với mức mua ròng 275 tỉ đồng của khối ngoại ở cùng thời điểm này năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh.
Dù vậy, nếu tính từ khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào ngày 21-9 đến nay, khối ngoại bán ròng tổng cộng hơn 1.140 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhỏ hơn nhiều so với con số rút ròng hơn 50.600 tỉ đồng vào giai đoạn cùng kỳ năm trước.
Nhìn vào kết quả giao dịch trong tuần qua, có thể thấy nhà đầu tư ngoại tập trung bán ròng các mã như: EIB (Eximbank), HPG (Hòa Phát), VND (VNDirect), STB (Sacombank), KBC (Đô thị Kinh Bắc), VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), KDH (Nhà Khang Điền), GEX (Gelex)...
Ở chiều đối lập, các mã MSN (Masan), VNM (Vinamilk), FRT (Bán lẻ kỹ thuật số FPT), VCB (Vietcombank), GMD (Gemadept)... lại được mua ròng.
Giữa lúc thị trường không thuận lợi, trong một tuần nay nhóm quỹ Dragon Capital thông báo vừa bán ra hơn 762.900 cổ phiếu KDH, giảm tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ tại Nhà Khang Điền từ 5,1% về 4,998%, chính thức không còn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp bất động sản này.
Tuy nhiên cũng trong tuần nay một quỹ ngoại khác là America LLC lại cơ cấu danh mục bằng cách mua thêm 24.900 cổ phiếu EVE (Everpia), 30.500 cổ phiếu SD5 (Sông Đà 5) và 16.000 cổ phiếu ONE (Truyền thông số 1). Hoàn tất các giao dịch, quỹ ngoại này chính thức trở thành cổ đông lớn của Sông Đà 5, tỉ lệ sở hữu của quỹ tại Công ty Everpia và Truyền thông số 1 cũng lần lượt tăng lên 8,04% và 6,02%.
Theo kết quả của cuộc khảo sát các công ty quản lý quỹ trên toàn cầu (FMS) hằng tháng được Bank of America (BofA, ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ) thực hiện, các công ty quản lý quỹ đang giữ tỉ lệ tiền mặt trong danh mục cao nhất trong 21 năm nay. Cụ thể, mức tiền mặt bình quân trong danh mục của các công ty quản lý quỹ được khảo sát là 6,3% trong tháng 10-2022, cao nhất kể từ tháng 4-2001.
Bank of America cũng cho biết do dự báo u ám về suy thoái kinh tế toàn cầu, các chỉ số rủi ro về ổn định thị trường đang ở mức cao nhất lịch sử do lo ngại về tiền tệ - tín dụng, nên các nhà đầu tư đang giảm tỉ trọng cổ phiếu.
Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn bày tỏ kỳ vọng ngày càng lớn của các nhà đầu tư về sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, cho thấy thị trường có thể phục hồi mạnh trong năm 2023.
"Chúng tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, cùng với các chính sách kinh tế thận trọng của Chính phủ sẽ giúp Việt Nam phần nào trở thành "vùng an toàn kinh tế" trong các thị trường mới nổi", ông Michael Kokalari - kinh tế trưởng Quỹ VinaCapital - bày tỏ kỳ vọng vào kinh tế Việt Nam, đồng thời thể hiện tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong dài hạn.